(HNM) - Hôm qua (9-1), tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng xét nghiệm y khoa cần có hệ thống trang thiết bị y tế (TTBYT) hiện đại và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, thời gian qua, sự hạn chế về quản lý dẫn tới việc TTBYT "quá đát" tràn vào nước ta, gây hại cho việc chẩn đoán bệnh.
Tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm là việc làm cần thiết của ngành y tế. Ảnh: Tuấn Vũ |
Quy định một đằng, thực hiện một nẻo
Theo PGS.TS Hoàng Văn Sơn (Hội Hành nghề y tư nhân Việt Nam), cuộc sống hiện đại làm thay đổi mô hình bệnh tật, bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường… ngày càng trở nên phổ biến. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB), hệ thống TTBYT, nhất là thiết bị xét nghiệm phải được chuẩn hóa. Chẳng hạn, mới đây, khi bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn tiến hành ghép thận, ca ghép cần phải có thiết bị hiện đại để xác định chính xác các chỉ số sức khỏe ở bệnh nhân trước và sau khi ghép.
Máy móc xét nghiệm phải theo kịp diễn biến phức tạp của mô hình bệnh tật. Trong thực tế, có những loại TTBYT chỉ sử dụng trong 2 năm là đã phải bỏ vì lạc hậu. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các BV nước ngoài nhằm mua lại TTBYT đã "hết đát", sau đó "tút" thành máy mới rồi tuồn về nước. Theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn, việc nhập khẩu TTBYT cũ là hành động gian lận thương mại nghiêm trọng vì đây là loại hàng hóa đặc biệt. Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 12/2006/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại, TTBYT đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định về nhập khẩu TTBYT, phải bảo đảm TTBYT nhập về là loại mới 100%. Theo đại diện Hội Thiết bị y tế Việt Nam, hiện nay, ở nước ta có hơn 80% loại TTBYT cần phải nhập ngoại. Trong khi đó, quy định về điều kiện kinh doanh mặt hàng này rất lỏng lẻo, chỉ cần vốn pháp định 200 triệu là có thể thành lập công ty buôn bán TTBYT. Thực tế cho thấy khi cung cấp hàng, doanh nghiệp nào cũng bảo đảm hàng chất lượng tốt nhưng khi thiết bị có sự cố, người sử dụng liên hệ với nhà cung cấp rất khó khăn.
Theo quy định, phòng khám (PK) đa khoa có từ 3 chuyên khoa trở lên thì bắt buộc phải có bộ phận xét nghiệm, được đầu tư TTBYT đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Phó Chủ tịch Hội Y học Hà Nội Bùi Thị Hiệp cho rằng, các BV tuyến trung ương hoặc BV lớn ngoài công lập còn "chịu khó" đầu tư TTBYT hiện đại, hầu hết PK nhỏ sử dụng máy móc đã qua sử dụng là chủ yếu. Tại Hà Nội, trong số 97 PK đa khoa thì chỉ có 12 PK hoàn chỉnh, có trang bị máy mới. Nhiều PK thuê máy, mượn máy, một số bỏ ít tiền ra mua máy đã qua sử dụng để đối phó, cốt sao được cấp phép. "Sử dụng thiết bị cũ dễ dẫn đến sai sót, nhầm lẫn trong việc khám và chẩn đoán bệnh", bà Bùi Thị Hiệp nói.
Chuẩn hóa công tác xét nghiệm
Nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ trang thiết bị còn nhiều vấn đề đáng bàn mà cả nguồn nhân lực phục vụ cho công tác xét nghiệm cũng có nhiều điều bất cập. PGS.TS Hoàng Văn Sơn đặt vấn đề: Nhân viên xét nghiệm ở một số nơi không biết ngoại ngữ, thế thì làm sao đọc được thông số kỹ thuật để vận hành loại máy nhập ngoại, làm sao biết được loại máy đó có sự "nhập nhèm" cũ, mới? Khi bán máy, doanh nghiệp nào cũng quảng cáo chất lượng máy tốt, nhưng khi máy móc xảy ra sự cố thì rất khó gọi họ quay lại để sửa chữa. "Để kiểm chứng chất lượng máy móc, vận hành khai thác hiệu quả, điều quan trọng là người phụ trách xét nghiệm phải là người được đào tạo bài bản, thường xuyên có ý thức trau dồi trình độ chuyên môn. Những người phụ trách vấn đề thanh tra, kiểm tra việc nhập - mua TTBYT cũng phải am hiểu máy móc y tế, có khả năng kiểm tra chất lượng chứ không thể chỉ răm rắp nghe bên bán nói", PGS.TS Hoàng Văn Sơn nhấn mạnh.
Để quản lý và nâng cao chất lượng phần việc xét nghiệm, bà Bùi Thị Hiệp cho rằng cần phải có đơn vị kiểm chuẩn xét nghiệm y học. Hiện nay, Trường Đại học Y Hà Nội đã có trung tâm kiểm chuẩn nhưng chức năng, nhiệm vụ mới chỉ dừng lại ở việc kiểm định kết quả xét nghiệm và đào tạo nhân lực. Bộ Y tế cần phải mở rộng chức năng, nhiệm vụ cho trung tâm này để cán bộ trung tâm có thể tham gia kiểm định chất lượng máy móc nhập khẩu, có khả năng xác định trên thị trường có bao nhiêu loại máy xét nghiệm, do nước nào sản xuất, độ chính xác đến mức nào…
Để tránh việc lạm dụng xét nghiệm cũng như việc các cơ sở y tế không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, ngành y tế cần thực hiện "xét nghiệm một cửa", tổ chức đào tạo bác sĩ xét nghiệm để nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm y học. Cần đưa ra kế hoạch, lộ trình, tiến tới bắt buộc tất cả cơ sở y tế phải công nhận kết quả xét nghiệm đã được kiểm chuẩn.
Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định về quản lý trang thiết bị y tế. Dự thảo gồm 5 chương, 65 điều, mục tiêu là tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ các sản phẩm công nghiệp y học liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều ý kiến cho rằng, nghị định cần xây dựng theo hướng quản lý chất lượng, truy được trách nhiệm khi có sự cố xảy ra, tránh trường hợp tiếng là có luật nhưng tạo kẽ hở cho thiết bị "quá đát" tuồn vào Việt Nam, gây hậu họa khó lường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.