(HNM) - Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội đề xuất phương án điều chỉnh giá vé xe buýt có trợ giá. Theo đó, từ ngày 1-10-2012, giá vé xe buýt sẽ tăng từ 40% đến 75% tùy theo cự ly tuyến.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cộng với tình hình giao thông nội đô thường xuyên ùn tắc như hiện nay, nhiều người dân băn khoăn: Liệu tăng giá vé xe buýt vào thời điểm này có phù hợp? Và tăng giá vé có đi kèm việc tăng chất lượng dịch vụ của xe buýt? Báo Hànộimới xin lược ghi một số ý kiến của bạn đọc...
Người dân đi xe buýt đòi hỏi chất lượng phục vụ tốt hơn khi tăng giá vé.Ảnh: Huyền Linh
Ông Phạm Đức Hải (tổ 29, phường Thượng Thanh, quận Long Biên):Cần coi trọng "văn hóa giao thông"
Đúng là nhìn vào thu nhập và giá cả thị trường hiện nay thì vé xe buýt là tương đối rẻ, phù hợp với đa số người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ dịch vụ và tinh thần phục vụ của các nhân viên xe buýt thì có lẽ còn rất nhiều vấn đề. Hôm vừa rồi chúng tôi đi xe buýt số 34 tuyến Mỹ Đình - Long Biên, trên xe khá đông hành khách, tất cả ghế ngồi không còn một chỗ trống. Đa số hành khách trẻ tuổi trong đó có nhiều nam thanh, nữ tú điềm nhiên vừa ngồi vừa khúc khích điện thoại, nhắn tin, còn những người già như chúng tôi thì đứng. Suốt chuyến đi, cả lái xe, phụ xe không hề nhắc nhở những người ít tuổi phải đứng dậy nhường ghế cho người già. Tôi nghĩ tăng giá vé xe buýt theo đề xuất của Sở GTVT là hợp lý, không ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của hành khách, nhưng nếu chất lượng dịch vụ không tăng tương ứng với giá vé thì số lượng hành khách cũng sẽ giảm xuống.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (phố Chùa Bộc, quận Đống Đa):Giá vé xe buýt tăng không nhiều
Nếu nhìn vào con số thực tế của mức giá tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng (đối với cự ly dưới 25km), từ 4.000 đồng và 5.000 đồng lên 7.000 đồng (đối với cự ly trên 25km), cũng như mức vé tháng dành cho học sinh, sinh viên tăng từ 25.000 đồng lên 45.000 đồng/tháng/tuyến và 50.000 đồng lên 90.000 đồng/tháng/liên tuyến. Mức vé cao nhất dành cho hành khách tăng từ 80.000 đồng lên 145.000 đồng/tháng/liên tuyến thì ta thấy số tăng không lớn so với mọi chi phí khác vốn đã tăng rất cao từ nhiều năm nay. Với những mức giá như kể trên, có thể thấy rằng đi xe buýt rẻ hơn rất nhiều so với các loại phương tiện khác. Trong đó nổi bật là sự ưu ái những đối tượng cần trợ giúp như học sinh, sinh viên. Khoan hãy nói về những phiền toái nhất định khi tham gia giao thông bằng xe buýt, nếu tính ở khía cạnh kinh tế và khả năng an toàn thì đây là loại phương tiện hữu hiệu để phục vụ số đông người trong giai đoạn tăng cường phát triển giao thông công cộng nhằm kiềm chế "vấn nạn" tắc đường hiện nay.
Ông Trương Hữu Bảng, hành khách tuyến xe buýt 32: Không nên phản ứng tiêu cực
Kết quả thống kê của liên ngành giao thông - tài chính cho thấy mức trợ giá cho xe buýt hằng năm tăng theo cấp số nhân, từ 203 tỷ đồng vào năm 2006 đến năm 2011 đã gấp 6 lần, đến 1.332 tỷ đồng. Đó là khoản kinh phí trợ cấp khá lớn. Nếu việc tăng giá xe buýt nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố (hơn 200 tỷ đồng một năm) thì người dân nói chung và hành khách nói riêng nên đóng góp phần nhỏ bé để làm nên một việc lớn. Bên cạnh đó, việc giảm trợ giá vé từ ngân sách bước đầu có thể khiến một số lượng hành khách "tạm xa" xe buýt là giai đoạn ngành vận tải công cộng phải nhìn lại mình để có sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường bằng cách tái đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ hành khách làm tiền đề phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Vì vậy, ta cần có cái nhìn lạc quan về việc tăng giá vé nhằm tăng chất lượng hoạt động của xe buýt và mạng lưới giao thông công cộng hơn là phản ứng một cách tiêu cực trước bất cứ thay đổi nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.