(HNM) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong sáng 27-6, tuyến đường Xã Đàn sau khi được đầu tư nối thông với đường Đại Cồ Việt rất đẹp, nhưng vỉa hè hai bên lại giống như đánh đố người dân...
Mỗi nơi một kiểu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong sáng 27-6, tuyến đường Xã Đàn sau khi được đầu tư nối thông với đường Đại Cồ Việt rất đẹp, nhưng vỉa hè hai bên lại giống như đánh đố người dân. Vỉa hè được thiết kế và thi công rất cao (nhiều đoạn cao khoảng 20-30cm so với mặt đường) và rất ít điểm vuốt nối vỉa hè với lòng đường để tạo sự êm thuận. Trên tuyến (nhiều nhất là đoạn từ số nhà 6 đến 100 Xã Đàn), để dắt được xe lên hè, các hộ và cơ quan, đơn vị buộc phải tự chế bục bệ, cầu dẫn, chu đáo thì làm bằng sắt, bê tông, đơn giản là sử dụng thân cây, bao tải đất hoặc gạch vương vãi trên phố để làm "cầu"… Ngay trước cửa trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính phường Phương Liên (số nhà 202 Xã Đàn), vỉa hè được đổ bê tông thay vì được lát gạch vuông đỏ như các đoạn khác.
Vỉa hè nhiều tuyến phố khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm được thiết kế, thi công vừa bảo đảm mỹ quan, vừa thuận lợi cho người dân.Ảnh: Mạnh Hà |
Cách đó không xa, đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (thông với đường Xã Đàn) mới thông xe và đưa vào khai thác chừng nửa năm cũng đã bộc lộ sự xuống cấp, thi công cẩu thả. Tương tự như đường Xã Đàn, vỉa hè ở đây khá cao so với mặt đường nên các loại bục bệ, cầu dẫn cũng mọc lên vô tội vạ. Đáng nói hơn, nhiều đoạn vỉa hè đã bị lún, gạch bị bong bật. Dọc tuyến là hàng chục hố ga, miệng cống (diện tích khoảng 1,5 x 1,5m) không có nắp, trở thành "bẫy" gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Lớn nhất là hố ga trước cửa quán bia hơi Tú Hiếu (đoạn giao cắt với đường Hoàng Cầu), mỗi chiều rộng tới 2,5m chỉ được che đậy tạm thời. Lạ lùng là tất cả các hố ga lộ thiên này đều không hề được cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, không chỉ tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, vỉa hè ở rất nhiều tuyến phố thực sự đã ảnh hưởng xấu đến diện mạo văn minh đô thị, trở thành những "cái bẫy" với người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Chuẩn bị cho Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), thành phố đã đầu tư kinh phí lớn (cả từ vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa) để cải tạo vỉa hè, chỉnh trang các tuyến phố. Song đến nay, vỉa hè nhiều tuyến đường, tuyến phố sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp nhanh chóng. Điển hình có thể kể tới các tuyến Xã Đàn (hay còn gọi là Kim Liên mới), Thái Hà… Đặc biệt, tại không ít tuyến phố, sau khi hạ ngầm được đường dây đi nổi thì vỉa hè lại nhếch nhác. Đoạn đầu ngõ 2 Thái Hà có cả một bó dây cáp lớn nằm chình ình. Người dân cho biết bó dây này tồn tại đã lâu nhưng chưa thấy đơn vị nào dọn. Cũng trên đường Thái Hà (đoạn giao cắt với đường Tây Sơn, trước cửa Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất), vỉa hè trở thành điểm tập kết xe rác và rác thải… Tuy nhiên, không phải tuyến phố nào cũng xấu xí như vậy. Nhiều phố, nhất là khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... vỉa được thiết kế thi công bảo đảm mỹ quan vừa thuận lợi cho phương tiện lên xuống, vật liệu bảo đảm chất lượng, được người dân đánh giá cao. Điều đó cho thấy một vấn đề là cách áp dụng thiết kế vỉa hè tại các dự án đang thiếu sự đồng nhất. Dự án thiết kế tốt, quá trình thi công được giám sát chặt chẽ thì hè đường đẹp, thiết kế không tốt thì trở nên xấu xí, nhếch nhác, xuống cấp sau thời gian ngắn sử dụng.
Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư
Trước bức xúc của dư luận về tuyến hè Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan. Chiều 27-6, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, trong đó thừa nhận: Thiết kế được duyệt chưa thuận lợi cho thói quen sinh hoạt của người dân. Viên vỉa cao, nhất là tại các điểm bố trí ga thu nước. Giám sát thi công còn khiếm khuyết, không kịp thời khắc phục hư hỏng. Thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý. Về phương án xử lý, đối với khu vực tập trung nhiều hộ dân sẽ tiến hành hạ cao độ vỉa hè và tạo vát vuốt nối. Với khu vực cơ quan, chỉ cần hạ vỉa tại vị trí ra vào. Ban Quản lý dự án đề xuất nâng chiều cao đan rãnh tại các vị trí phù hợp để hạ chiều cao bó vỉa (có thể thực hiện mà không ảnh hưởng tới thoát nước); chôn sâu thêm chân vỉa đồng thời vuốt dốc phần hè tiếp giáp khoảng 0,8-1,2m, bổ sung ga thu, giảm khoảng cách giữa các ga thu từ 50m xuống 25m. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 28-6 và xong trước ngày 2-7, nhân rộng triển khai trên toàn tuyến trong tháng 7-2014. Toàn bộ kinh phí do các đơn vị thực hiện dự án chi trả.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nhìn nhận, chất lượng công trình vỉa hè lâu nay không ai quan tâm do vỉa hè có xấu hay tốt cũng không ảnh hưởng đến tính mạng người đi đường; không như đường giao thông lồi lõm, ổ gà, ổ trâu dễ gây tai nạn. Từ chỗ chất lượng bị buông lỏng tạo ra kẽ hở cho tham nhũng. Ai cũng thấy nhiều tuyến hè gạch lát không bảo đảm, không có vữa, lâu lâu lại nạy lên làm lại. Việc đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo làm rõ sai phạm tại dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu là rất đáng hoan nghênh. Song rất mong đồng chí Bí thư, ngoài việc làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan, chỉ đạo kiểm tra, rà soát cả việc duyệt giá thành, thanh quyết toán hạng mục này. Ai thiết kế, ai thi công, ai giám sát phải nêu tên rõ cho mọi người biết. |
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, bảo đảm chất lượng công trình nói chung, vỉa hè nói riêng trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư. Thực tế, nhiều quận, huyện sau khi phân cấp như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… đã làm tốt các dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố. Nhiều tuyến phố trước đây vỉa hè chênh so với cốt đường 12-16cm, đã được thiết kế giảm xuống chỉ còn 5cm, từ đó hạn chế tình trạng làm bục bệ, cầu dẫn tự phát. Từ 2008 đến nay, quận Hoàn Kiếm cơ bản hoàn thành lát đá 100% tuyến phố cổ theo thiết kế thống nhất. Liên quan đến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ông Viện cho hay, Sở GTVT đã rà soát các văn bản, từ đó tham mưu thành phố ban hành các quy định theo hướng chặt chẽ hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát các chủ đầu tư trong quản lý dự án, tổ chức duy tu, duy trì công trình.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, hình như việc đầu tư cải tạo, chỉnh trang vỉa hè thiếu sự giám sát. Chẳng hạn, về kỹ thuật lớp dưới phải là vữa xi măng bảo đảm kết cấu cứng rồi mới lát vật liệu hoàn thiện nhưng có nơi chỉ thấy rải cát sơ sài rồi lát gạch. Hậu quả là lún, nứt sau thời gian ngắn sử dụng, phải sửa chữa, thay thế rất tốn kém. Hay có nơi, vì lợi ích riêng mà có hiện tượng vỉa hè quá cao, người dân phải tự phát làm cầu dẫn dắt xe… Điều này cho thấy sự thiếu thực tế, thiếu nghiên cứu khi lập dự án. Trong khi việc huy động sự tham gia của cộng đồng, hầu như ở đâu cũng có tổ dân phố giám sát, nhưng cán bộ dân phố không nắm được kỹ thuật và bản thân đơn vị quản lý dự án, thi công không công khai thiết kế kỹ thuật nên việc giám sát không hiệu quả. Từ thực tế trên, ông Nghiêm đề nghị cần có cơ chế quản lý chất lượng thông qua tăng cường giám sát và tăng cường xử lý vi phạm; đặc biệt tạo sự bình đẳng khi phạt cả người có thẩm quyền quản lý để xảy ra vi phạm. Cùng với việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cho địa phương phải nâng cao năng lực cho địa phương, như vậy việc quản lý mới hiệu quả.
Được biết, hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã được giao nghiên cứu thiết kế mẫu vỉa hè, với quan điểm tạo sự đồng bộ, bảo đảm kết cấu bền vững, tránh lãng phí; áp dụng các tiêu chuẩn dành cho người khuyết tật, hạ ngầm đường dây… Bộ thiết kế mẫu sau khi ban hành sẽ là "chuẩn" áp dụng cho các dự án mở đường, cải tạo, chỉnh trang trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.