(HNM) - Vụ việc sữa Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm mập mờ nhãn mác để lừa đảo người tiêu dùng (NTD) là cảnh báo về chất lượng sữa ngoại nhập hiện nay. Từ vụ việc này, dư luận một lần nữa đặt câu hỏi với các ngành chức năng về sự buông lỏng quản lý trong khâu kiểm định chất lượng và định giá sản phẩm.
Sữa Danlait bị cơ quan chức năng thu hồi. |
Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra sản phẩm sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm, tại số 13, ngõ 2, phố Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp (DN) này. Qua kiểm tra, giá thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait dùng cho trẻ giai đoạn 1 từ 0-12 tháng tuổi mà công ty này nhập khẩu từ Pháp vào tháng 10-2012 là khoảng 80.000 đồng/hộp; sản phẩm dành cho trẻ giai đoạn 2 và dành cho trẻ tăng trưởng có giá nhập khẩu lần lượt là 78.796 đồng/hộp và 79.231 đồng/hộp. Bằng việc không ghi rõ đây là thực phẩm bổ sung trên nhãn mác, Công ty đã bán với giá 410.000-420.000 đồng/hộp. Được biết, Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu 4 lô hàng Danlait với số lượng 40.380 hộp và đã bán ra thị trường 34.040 hộp. DN này không thực hiện kê khai và niêm yết giá theo quy định của pháp luật. Theo lực lượng chức năng, tất cả các sản phẩm sữa bột có hàm lượng đạm dưới 34% chỉ được gọi là thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp cho Danlait lại ghi "Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait", mà đúng ra phải ghi là "Thực phẩm bổ sung nhãn hiệu Danlait". Việc mập mờ về nhãn mác đã tạo cơ hội cho DN lợi dụng để quảng bá sản phẩm không phải sữa nhưng được bán với giá "cắt cổ". Đây rõ ràng là hành vi lừa đảo NTD của DN. Để trục lợi phi pháp, DN đã cố tình thay đổi nhãn mác, bất chấp sự an toàn và sức khỏe của trẻ em.
Từ vụ việc nêu trên cho thấy, việc buông lỏng quản lý trong khâu kiểm định chất lượng và định giá, nhất là đối với mặt hàng sữa đã tạo kẽ hở cho những sản phẩm kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường. Trong đó có sữa nhập khẩu qua đường xách tay không đăng ký chất lượng, không có xuất xứ rõ ràng, không được kiểm định chất lượng nên dễ bị tráo hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, gây thiệt hại không nhỏ đến sức khỏe và quyền lợi NTD (đặc biệt khi người dùng là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh).
Qua vụ việc này, dư luận xã hội đòi hỏi các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý, đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm để bảo đảm quyền lợi NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.