Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng rau củ: Khó kiểm soát!

Sơn Tùng| 06/11/2015 06:57

(HNM) - Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu sử dụng rau toàn thành phố lên đến 2.000-3.000 tấn/ngày. Hiện một lượng lớn rau từ các tỉnh, thành phố đang được đưa vào thị trường Hà Nội và việc kiểm soát an toàn vệ sinh đang là bài toán nan giải.


Nếu tính chung về sản lượng rau Hà Nội tự cung ứng thì con số này chiếm khoảng 60% nhu cầu của người dân. Còn lại, 40% được đưa về từ các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên… Ngoài các nguồn trên, mỗi ngày có khoảng 200 tấn rau, củ từ Trung Quốc đưa về các chợ đầu mối của Hà Nội, từ đó, phân phối ra hệ thống các chợ dân sinh trên toàn thành phố. Nhận định về chất lượng rau tại 6 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng khẳng định, các loại rau củ tiêu thụ tại đây đều khó kiểm soát về an toàn thực phẩm và nguồn gốc, xuất xứ.

Nguồn cung rau an toàn hiện chưa đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Thái Hiền


Mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội bao gồm: Chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Minh Khai, chợ La Khê, chợ Long Biên, chợ đầu mối Đền Lừ, chợ đêm Văn Quán. Kết quả cho thấy, 13/120 mẫu xét nghiệm có tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, độc với con người) vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người); có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 14/40 mẫu là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật, tại các vùng rau của Hà Nội, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã từng bước được cải thiện. Từ đầu năm tới nay, Chi cục đã lấy 374 mẫu tại các vùng sản xuất rau của Hà Nội, chỉ phát hiện 3 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng (0,8%). Vì vậy, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là ở lượng rau, củ từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội khó kiểm soát. Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc rau tại các chợ đầu mối của Hà Nội đang là bài toán nan giải.

Tại các chợ đầu mối lớn của Hà Nội như chợ đêm Văn Quán, chợ đầu mối Đền Lừ, có tới trên 50% rau bày bán được chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về. Anh Phạm Văn Hiển, một thương lái tại chợ đầu mối chợ đêm Văn Quán khẳng định: Mỗi chủ buôn ở đây buôn rau theo vùng khác nhau, có người chuyên nhập hàng từ Lào Cai, Lạng Sơn, có người lại chuyên rau Hòa Bình, người lấy rau Hưng Yên… Còn anh Nguyễn Văn Thức ở Ngọc Trục, một thương lái kỳ cựu tại chợ đêm Văn Quán chuyên buôn bán các loại rau từ các tỉnh phía Bắc về khẳng định: Ngay cả hỏi thương lái xuất xứ nguồn rau cũng khó vì đều mua qua, bán lại. Tất cả đều thông qua điện thoại và hợp đồng miệng. Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng phòng Kinh doanh 3, Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam khẳng định: Chợ đầu mối chỉ có chức năng kinh doanh. Với hàng trăm mặt hàng mỗi đêm, chỉ lấy ngẫu nhiên vài chục mẫu để kiểm tra, không thể kiểm soát 100% được và không thể dựa vào biển số xe, quê quán của người bán hàng để truy xuất. Do đó cần phải quản lý từ gốc, tức là từ các địa phương khi hàng hóa xuất ra khỏi tỉnh.

Nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần sớm xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm như thế nào… mới được đưa vào chợ đầu mối và các chợ dân sinh lớn dù đây là việc khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng rau củ: Khó kiểm soát!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.