(HNM) - Ngày 26-5, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Triển khai Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài”.
Hội thảo do Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) tổ chức, nhằm tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, để hàng Việt vươn ra thị trường thế giới, việc bảo đảm chất lượng ổn định vẫn là yếu tố tiên quyết.
Một chương trình quảng bá hàng Việt Nam tại Pháp do Bộ Công Thương kết hợp với Tập đoàn Casino tổ chức. |
Xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống phân phối
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu cho biết, để đưa hàng Việt Nam trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các nước, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối như: Casino, Metro Cash & Carry và Sehrgros, Makro, Coop và Conad, Aeon và Lotte… tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các chuỗi siêu thị nhằm quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng và kết nối doanh nghiệp với các chuỗi phân phối. Những hoạt động kể trên đã đem đến kết quả bước đầu, theo đó kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào Aeon đã tăng từ 18,2 tỷ yên năm 2013 lên khoảng 23,4 tỷ yên năm 2014; kim ngạch xuất khẩu vào Casino tăng từ 27 triệu USD năm 2014 lên 30 triệu USD năm 2015…
Theo ông Nishitoghe Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam qua hệ thống này ngày càng tăng. Hiện có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng cho hệ thống của Aeon trên cả nước. Trong thời gian qua, Aeon đã tích cực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua hệ thống 14.000 cửa hàng của Aeon tại Châu Á và Nhật Bản. Trong năm 2016, hệ thống đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường.
Giám đốc thu mua thực phẩm của Auchan Retail Việt Nam, ông Albin Bertrand cho rằng, Việt Nam có những mặt hàng tốt nhất trên thế giới như cà phê, trà... Vì vậy, việc đưa vào hệ thống siêu thị trên thế giới không khó, tuy nhiên cần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Albin Bertrand cũng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa ở Việt Nam để xuất khẩu hàng Việt Nam ra các thị trường của Auchan trên toàn thế giới. Đại diện Central Group cho biết đã thành lập một công ty chuyên biệt về xuất khẩu hàng tại Việt Nam để tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Dù có nhiều kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá chung của các đại biểu tham dự hội thảo cho thấy, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài của các doanh nghiệp Việt còn nhiều khó khăn. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, dù xuất khẩu tới thị trường nào thì vẫn phải bảo đảm chất lượng một cách ổn định và bền vững. Bà Hạnh nêu lý do, thời gian gần đây các doanh nghiệp Việt hay gặp trục trặc khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là do nước này áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, trong khi doanh nghiệp chưa nghiên cứu và nắm chắc luật này. Vì vậy, theo bà Hạnh, quan trọng nhất để hàng Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế là bảo đảm tiêu chuẩn và sự ổn định của chất lượng.
Với kinh nghiệm của một công ty xuất khẩu sản phẩm nông sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ, ông Trần Quang Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty GC Food USA cho biết, công ty có nhu cầu đóng gói sản phẩm tại Hoa Kỳ để vào thẳng các kênh phân phối. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư Việt Nam, khi chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài còn nhiều khó khăn, thì doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ pháp lý để có thể "đem chuông đi đánh xứ người”. Một số công ty chuyên xuất khẩu cũng đề nghị hỗ trợ về phương thức thanh toán. Cụ thể, khi xuất khẩu hàng vào các hệ thống phân phối thường phải sau 30-45 ngày mới được thanh toán. So sánh với doanh nghiệp các nước khác, các đại diện này cho rằng doanh nghiệp nước khác được “bảo lãnh tài chính” bởi ngân hàng thứ 3. Khi doanh nghiệp chuyển hàng cho nhà phân phối thì ngân hàng thứ 3 này sẽ trả tiền cho doanh nghiệp sau đó thu tiền lại nhà phân phối, lãi suất chỉ 1-2%. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị khi triển khai đề án, cần có hệ thống ngân hàng tài chính trong nước và quốc tế hỗ trợ…
Theo ông Đặng Hoàng Hải, vấn đề Công ty GC Foods USA đặt ra vốn là trăn trở lớn của Bộ Công Thương. Chính vì vậy, trong Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020”, Ban Biên soạn đã dành nhiều thời gian cho vấn đề này. Theo đó, kho ngoại quan là một giải pháp phù hợp để hỗ trợ thông quan hàng Việt và đóng gói để tăng giá trị hàng hóa. Theo ông Hải, ý tưởng kho ngoại quan đã có gần 20 năm trước, nhưng trước đây đã cố gắng xây dựng bằng ngân sách nên vấp phải nhiều khó khăn. Rút kinh nghiệm từ bất cập này, đề án đã thay đổi hướng đi mới, đó là kêu gọi tư nhân đầu tư, Nhà nước chỉ hỗ trợ điều kiện để thực hiện như ký các hiệp định với các nước sở tại để hỗ trợ về thuế, hạ tầng… “Đây là hướng đi mới giải quyết vấn đề kho ngoại quan với tiêu chí cần lâu dài, bền vững và có lãi cho doanh nghiệp”, ông Hải khẳng định.
Để đạt mục tiêu của đề án, ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ, hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng doanh nghiệp tận dụng hình thức xuất khẩu này. Các khó khăn của doanh nghiệp vừa nêu, Bộ sẽ tổng hợp và có hướng hỗ trợ tháo gỡ nhằm đạt mục tiêu của đề án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.