Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng nông, lâm, thủy sản: Vẫn là nỗi lo thường trực

Ngọc Quỳnh| 09/07/2013 05:50

(HNM) - Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp và thuốc bảo quản nông sản vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.



Đây là những nhận định của Bộ NN&PTNT trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm về quản lý chất lượng ATVSTP nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 8-7.

Nhiều cơ sở vi phạm

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, đã có 18/30 tỉnh kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản; 14/30 tỉnh kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xếp loại C vẫn còn cao (chiếm 25,5%). Đáng chú ý là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) được kiểm tra, phân loại lần đầu xếp loại C chiếm tới 64,9% và 25,1% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi xếp loại C. Kiểm tra 6.976 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản, thì tới 1.126 cơ sở vi phạm (chiếm 16,14%). Trong số 841 mẫu nông sản nguồn gốc thực vật, thì 19 mẫu (chiếm 2,2%) vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật salmonella, E.Coli… và 14 mẫu (chiếm 1,67%) còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kim loại nặng, nitrat vượt giới hạn cho phép. Kiểm tra 5.478 mẫu nông sản có nguồn gốc động vật, thì 120 mẫu (chiếm 2,1%) vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, 31 mẫu vi phạm chỉ tiêu hóa chất hàn the (chiếm 0,56%) và trong tổng số 1.213 mẫu thủy sản, có 44 mẫu vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh cấm, kim loại nặng vượt ngưỡng giới hạn cho phép (chiếm 3,6%) …

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Đàm Duy


Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, kiểm tra 25 mẫu rau ngót, mướp đắng tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì 7/25 mẫu rau ngót, 2/25 mẫu mướp đắng có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Có tình trạng thương lái mua quả xanh như mít, chuối… về ướp hóa chất cho chín, nhưng đáng lo ngại là tại Việt Nam các loại hóa chất bảo quản quả đều chưa có trong danh mục thuốc BVTV cho phép. Hiện Cục BVTV đang làm việc với một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hoa quả nghiên cứu đưa vào danh mục một số loại thuốc mà nước ngoài đang sử dụng, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người để công bố, tránh tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan.

Tại Hà Nội, trong 6 tháng đã kiểm tra 216 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, thì có 10 cơ sở xếp loại C. Các đoàn thanh, kiểm tra của Sở NN&PTNT đã kiểm tra 86 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tịch thu 198kg ruột lợn, 393kg nội tạng động vật, 156 con ba ba không rõ nguồn gốc, tiêu hủy 26,5 lít thuốc, 13,5kg thuốc thú y và BVTV không đạt tiêu chuẩn hoặc ngoài danh mục cho phép. Ngoài ra, các đoàn cũng đã niêm phong, chờ xử lý 4.300 gói thuốc sai nhãn mác và 17.991 chai thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; 1.313 lít thuốc hết hạn sử dụng. Đồng thời, lấy 12 mẫu thuốc BVTV, 3 mẫu chè, 144 mẫu rau để kiểm tra chất lượng. Hiện tại đã có kết quả 94 mẫu, phát hiện 3 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép.

Tập trung tái kiểm tra...

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 14, trong đó tập trung vào việc tái kiểm tra cơ sở xếp loại C. Bên cạnh đó, sớm hoàn thành đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đề án giết mổ gia súc, gia cầm an toàn... để các địa phương làm căn cứ thực hiện có hệ thống, nhằm quản lý chất lượng từ sản xuất tới tiêu thụ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng, để từng bước kiểm soát chất lượng ATVSTP trong nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục rà soát, thống kê, kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản theo quy định. Kết quả kiểm tra sẽ được công khai và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện Thông tư 14, không chỉ dừng lại ở việc đánh giá, phân loại các cơ sở, mà phải lấy mẫu phân tích nguy cơ rủi ro đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm. Đối với các cơ sở xếp loại C, khi tái kiểm tra vẫn chưa có biện pháp khắc phục, phải xử lý theo đúng quy định, tránh nhờn luật. Do số cơ sở giết mổ GSGC xếp loại C cao, nên các địa phương cần sớm hoàn thành công tác quy hoạch để đưa hoạt động giết mổ GSGC vào nền nếp; khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình khép kín, bảo đảm ATVSTP, nghiêm cấm việc sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép... Đây là việc làm khó, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, từng bước giảm tỷ lệ cơ sở vi phạm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nông, lâm, thủy sản: Vẫn là nỗi lo thường trực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.