Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu

Linh Tâm| 04/08/2016 16:04

(HNMO) - Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân chính khiến du lịch chưa thực sự phát triển như mong đợi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân chính khiến du lịch chưa thực sự phát triển như mong đợi ở các tỉnh này. Với những cơ hội và thách thức trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cùng với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (gọi tắt là Dự án EU), vấn đề chất lượng nguồn nhân lực tại các tỉnh này đã có những chuyển biến nhất định.

Chuyên gia kỹ thuật của Dự án EU giới thiệu các trang thiết bị và mô hình lớp tập huấn tại các địa phương cho đoàn báo chí khảo sát tại Cần Thơ, An Giang.


Chưa đáp ứng yêu cầu

Gia đình chị Nguyễn Thu Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) có thói quen đi du lịch thường xuyên. Ngay cả khi bé thứ hai nhà chị chưa đầy năm, vợ chồng chị vẫn “xách ba lô lên và đi” khắp nơi. Hè này, chị và gia đình quyết định chỉ đi du lịch trong nước với hai điểm đến là miền Trung (Đà Nẵng, Hội An) và miền Tây (Cần Thơ, An Giang). Chọn hai vùng đó, theo chị Trang là bởi một phần con chị còn nhỏ, một phần vì “muốn khám phá đất nước mình”. Trở về sau hai chuyến đi gần nhau, chị lập tức gọi điện “buôn” với tôi. Chị bảo, đất nước mình nơi nào cũng đẹp, nhưng để phát triển du lịch, hấp dẫn du khách nhất thì miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) vẫn là nhất. Gia đình chị có thể quay lại nhiều lần nữa vì cảnh đẹp, dịch vụ tốt, môi trường thân thiện; còn các tỉnh miền Tây chị chỉ đi cho biết dù phong cảnh và văn hóa, lối sống của người dân rất độc đáo và hấp dẫn.

Theo chị Trang, sự khác biệt rất lớn khiến du khách có thể so sánh ngay là chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực ở mỗi nơi. Trong khi ở Hội An và Đà Nẵng, nhân viên luôn biết đón ý, quan tâm và chăm sóc khách bài bản, chu đáo như người thân thì tại Cần Thơ và An Giang phần lớn đều thiếu chuyên nghiệp, bị động và thiếu sự cởi mở với du khách. Việc giao tiếp giữa khách với nhân viên phục vụ là cách nhanh nhất để lấy thiện cảm hoặc để lại ấn tượng không tốt với điểm đến.

Bà Lê Đình Minh Thy – Quyền Giám đốc Công ty du lịch Vietravel (Chi nhánh Cần Thơ) cho biết: “Nếu so với miền Trung và các vùng khác thì các tỉnh miền Tây chưa thực sự hấp dẫn. Khách của chúng tôi có thể đi miền Trung nhiều lần vì ở đây có hệ thống di sản dày đặc, cảnh quan thiên nhiên đa đạng và bờ biển trải dài rất hấp dẫn. Còn tại vùng ĐBSCL, khách ít quay lại và không lưu trú nhiều ngày là bởi chất lượng dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu. Khách càng ít, nhân viên càng không có nhiều cơ hội để cọ xát, tiếp xúc và nâng cao trình độ. Đó cũng là lí do khiến nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại vùng kém hơn các vùng khác”.

Nhìn nhận về hạn chế của nguồn nhân lực tại khu vực ĐBSCL, ông Phan Văn Hòa – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL đánh giá: Chất lượng nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL hiện nay yếu hơn rất nhiều so với miền Trung và miền Bắc. Có đi các tỉnh khác càng thấy rõ hơn điều này. Một phần do yếu tố khách quan, nhưng quan trọng hơn là do các doanh nghiệp phải “tự bơi”, không có kinh phí để đào tạo nhân viên. Đó là chưa kể tình trạng nhiều nhân viên sau khi được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã “một đi không trở lại” do các doanh nghiệp khác mời về làm với mức lương cao hơn. Những yếu tố đó khiến nguồn nhân lực vùng ĐBSCL khó có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập.

Theo Nghiên cứu khảo sát lực lượng lao động du lịch tại khu vực 3 tỉnh ĐBSCL (Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang) năm 2015 của Dự án EU thì vấn đề đáng quan ngại nhất trong lĩnh vực lưu trú và lữ hành là sự thiếu hụt nguồn lao động có đủ năng lực. Theo ông Hoàng Nhân Chính - Chuyên gia kỹ thuật của dự án,chỉ có khoảng 15-20% số nhân viên thực sự đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn của ngành du lịch, 50-60% đáp ứng được một phần và còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự thiếu hụt đối với năng lực cơ bản, năng lực quản lý và năng lực du lịch có trách nhiệm. Sự thiếu hụt các đơn vị năng lực này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của bản thân nhân viên mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng công việc của các nhân viên khác và hiệu quả chung của đơn vị, doanh nghiệp.

Để phát triển bền vững

Nhằm hỗ trợ tích cực cho ngành du lịch nói chung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói riêng, Dự án EU đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong việc giảng dạy, tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, đào tạo viên nghề theo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), thực hiện các nghiên cứu đánh giá, phân tích các khía cạnh của nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển lực lượng lao động của ngành du lịch.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, những năm qua, Dự án EU đã phối hợp với các địa phương đào tạo hơn 200 cán bộ tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trên 500 lượt nhân viên tại các doanh nghiệp, 450 lượt học viên thuộc cộng đồng dân cư các địa phương và 35 lượt giảng viên, đào tạo viên của các trường cao đẳng nghề du lịch tại khu vực ĐBSCL. Sau những khóa đào tạo của dự án, các học viên này sẽ trở thành những “đào tạo viên” tiếp tục đào tạo lại cho các nhân viên khác trong các doanh nghiệp hoặc trong khu vực.

Tập đoàn Mường Thanh và Công ty du lịch Vietravel là những đơn vị liên kết chặt chẽ với Dự án EU trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nhiều năm qua. Đại diện của Tập đoàn Mường Thanh cho biết, đến cuối năm 2017, tập đoàn sẽ có hơn 60 khách sạn tại nhiều tỉnh thành. Vì vậy, Mường Thanh luôn hợp tác chặt chẽ với dự án để đào tạo những “máy cái” để họ tiếp tục đào tạo cho nguồn nhân lực của các khách sạn thành viên. Nguồn nhân lực chủ yếu lấy từ địa phương để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tương tự như vậy, Công ty Du lịch Vietravel cũng cử nhân viên của mình theo học các khóa của Dự án EU, sau đó tiếp tục về giảng dạy cho các học viên tại trường đào tạo về du lịch riêng của doanh nghiệp này nhằm hướng các học viên, sinh viên theo mô hình đặc thù và theo tiêu chuẩn riêng của công ty. Những sinh viên sau khi ra trường nếu ở lại Vietravel công tác sẽ rất thuận lợi và có thể đáp ứng được những công việc, yêu cầu cao của công ty do đã được chuẩn hóa.

Bên cạnh việc thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương và doanh nghiệp, Dự án EU còn xây dựng 10 bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), trong đó 2 bộ tiêu chuẩn nghề về quản lý khách sạn và vận hành cơ sở lưu trú nhỏ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia. Hiện dự án đang tiếp tục trình để được công nhận 4 bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam. Đây là cơ sở cho Bộ tiêu chuẩn nghề cấp quốc gia, để từ đó các doanh nghiệp, địa phương, các trường triển khai giáo trình đào tạo theo đặc thù riêng của mình. Nếu triển khai theo cách này, chắc chắn chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch nói chung và tại các địa phương nói riêng sẽ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch được áp dụng rộng rãi tại các nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.