(HNM) - Sáng 9-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, đánh giá về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Qua thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước việc thực hiện chương trình xây dựng luật thời gian qua chưa đạt yêu cầu, thậm chí thiếu nghiêm minh.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 là chương trình đầu tiên được lập và triển khai theo quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, chương trình đã được Quốc hội quyết định đầu năm 2009 để các cơ quan có trách nhiệm có thêm 6 tháng chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nhiều dự án vẫn còn rất chậm, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Đại biểu Nguyễn Sơn Hà (đoàn Hà Nội), Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc các dự án luật không được chuẩn bị tốt chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân chủ quan. Một số lãnh đạo bộ, ngành có nhiệm vụ soạn thảo dự án luật chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm. Luật thường được chuẩn bị chậm, đến tay đại biểu cũng chậm, thể hiện việc thực hiện không nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một thực trạng được các đại biểu rất quan tâm và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan là việc dễ dãi đưa vào, rút ra các dự án luật trong chương trình đã được Quốc hội thông qua. Đại biểu Chu Sơn Hà đưa ra thông tin, năm 2008 cơ quan soạn thảo xin rút 8 dự án luật, năm 2009 xin rút 9 dự án luật khỏi chương trình. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, việc xin rút được nêu lý do "chưa chuẩn bị kịp" là không thỏa đáng. Đại biểu Đinh Xuân Thảo thì cho rằng có nhiều bộ, ngành được giao soạn thảo quá nhiều dự án luật trong cùng giai đoạn dẫn đến chất lượng không cao. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) còn cho rằng cần xem xét lại tiêu chuẩn, trình độ, khả năng đáp ứng về thời gian của các thành viên ban soạn thảo để không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng dự án luật. Trong trường hợp dự án luật không đáp ứng được yêu cầu, các đại biểu cho rằng các cá nhân, cơ quan liên quan cần phải chịu trách nhiệm và việc xử lý phải nghiêm túc.
Về nội dung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, các đại biểu đề nghị nên đưa những dự án luật có nội dung liên quan đến những vấn đề lớn của đất nước, có ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, dân sinh. Với tinh thần đó, đại biểu Lê Thị Dung (đoàn An Giang), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu ý kiến cần sớm đưa việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình để giải quyết những bức xúc trong lĩnh vực này bởi có đến 80% số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai. Ngoài ra, đại biểu Ngô Văn Minh còn nêu một loạt vấn đề "nóng", được cử tri quan tâm như Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Biển, Luật Đầu tư công. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (đoàn Bình Định) cũng đề nghị đưa vào chương trình Luật Ngân sách Nhà nước.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các đại biểu cơ bản thống nhất quan điểm, việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao tính khả thi, tính minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện cơ chế và các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà khẳng định dự án luật này đã đáp ứng mong mỏi và sự quan tâm của người tiêu dùng...
Các đại biểu cũng quan tâm đến vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các đại biểu đề nghị, tại dự án luật này cần phân định rõ ràng hơn về quyền hạn, nghĩa vụ của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định giao cho tổ chức này thực hiện các hoạt động về thông tin, tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, giám định để kết luận có hay không có hành vi vi phạm của thương nhân khi có tranh chấp phát sinh để làm căn cứ giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.