(HNM) - Chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã có bước chuyển rõ rệt. Đây là vấn đề cốt lõi để gia tăng giá trị trên thị trường quốc tế và điều này được chứng minh qua việc nhiều mặt hàng đã vượt qua các hàng rào kỹ thuật, chiếm lĩnh thị trường “khó tính” châu Âu.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Ngay lập tức, sản lượng xuất khẩu nông sản trong tháng 8 và tháng 9-2020 lần lượt tăng 11,5% và 34,4% (so với tháng 7-2020). Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ trong tháng 8 và tháng 9-2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã lên tới 766 triệu USD. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, từ nay đến cuối năm.
Những tín hiệu tích cực trên là cơ sở khẳng định, mục tiêu đưa tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020 lên con số hơn 40 tỷ USD là không xa vời. Dù vậy, phía trước còn nhiều thách thức, trong đó có những vấn đề nội tại của chính ngành Nông nghiệp, mà cụ thể hơn là trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
Một trong số đó là việc các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, nếu muốn chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Trong những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước đã quyết tâm rất cao trong việc giải bài toán truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu. Thế nhưng, không phải địa phương, doanh nghiệp nào cũng thật sự chú trọng vấn đề này.
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài xuất khẩu vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, yêu cầu phối hợp điều tra và đề xuất giải pháp khắc phục. Hay như việc cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Thái Lan trả lại một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế này cho thấy, không chỉ các thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản…, mà các thị trường khác cũng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ.
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt tối thiểu 40 tỷ USD trong năm nay và vươn tới mục tiêu xa hơn, trước hết phải loại bỏ vấn nạn doanh nghiệp thu mua hàng trôi nổi trên thị trường cũng như hiện tượng sử dụng không đúng mã số, sử dụng mã số của nhau để xuất khẩu..., nhằm tránh hệ lụy thương mại. Giải pháp trong thời gian tới là các cơ quan chức năng, đặc biệt các địa phương phải siết chặt công tác quản lý mã số; tăng cường kiểm tra các vùng nuôi trồng, cơ sở đóng gói; giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp, nắm bắt những thay đổi cũng như quy định về chất lượng sản phẩm trên từng thị trường để thông tin, định hướng cho các doanh nghiệp, từ đó loại bỏ rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, từng nhóm hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, tạo dựng uy tín với các doanh nghiệp nhập khẩu, cơ quan quản lý thương mại nước ngoài. Và cốt lõi là, mỗi doanh nghiệp phải ý thức được chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn của xuất khẩu nông sản; loại bỏ kiểu làm ăn “chộp giật”…
Muốn ra “biển lớn”, tự thân mỗi người nông dân, mỗi doanh nghiệp phải sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp, đặt chất lượng lên hàng đầu. Chất lượng chính là yếu tố quyết định cho thành công của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.