(HNM) - Sau thời gian dài thẩm định, mới đây Liên bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chính thức hoàn thành dự thảo thông tư giá viện phí mới.
Theo đó, sẽ có 400 dịch vụ y tế (DVYT ) được điều chỉnh tăng giá, nhiều hơn 50 dịch vụ so với đề xuất của Bộ Y tế trước đây. Tuy giá viện phí mới được nhận định thấp hơn so với đề xuất ban đầu; giá các dịch vụ được quy định cụ thể, phù hợp với thực tế hơn... nhưng người dân vẫn băn khoăn liệu chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) có được cải thiện sau khi tăng viện phí?
Chị Đặng Thu Hằng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa): Giá tăng, chất lượng dịch vụ có tăng?
Theo dự thảo thông tư về giá dịch vụ viện phí mới của Liên bộ Y tế, Tài chính, Lao động, Thương binh & Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, sẽ có hơn 400 DVYT tăng giá. Tham khảo kỹ dự thảo này, tôi thấy mức tăng giá 400 DVYT không lớn và có các mức giá cụ thể hơn cho từng dịch vụ tách rời. Đặc biệt, dự thảo đã xem xét đến giá giường đối với trường hợp nằm ghép 2 và 3 bệnh nhân/giường (hiện tượng đã diễn ra từ nhiều năm nay tại hầu hết các bệnh viện tuyến trên) với mức giá giảm trừ còn 70% và 40% thay vì thu đồng loạt một mức như hiện nay. Điều này đánh giá đúng mức quyền lợi mà người bệnh được hưởng tại các cơ sở KCB. Hơn nữa, trong đợt tăng giá DVYT này sẽ có một số kỹ thuật mới chưa từng có trong danh mục được quỹ BHYT chi trả, đó là điều có lợi cho người bệnh. Với tôi, giá cả DVYT có thể tăng hợp lý theo quá trình vận động, phát triển xã hội. Điều tôi quan tâm ở đây là chi phí tăng có đồng hành cùng tăng chất lượng DVYT? Người bệnh khi đến cơ sở KCB có được tiếp đón chu đáo, khám xét tận tình, tư vấn đầy đủ thông tin điều trị hiệu quả để có thể chữa khỏi bệnh trong thời gian ngắn nhất với chi phí thấp nhất?
Anh Nguyễn Mạnh Cường (phố Gầm Cầu, quận Hoàn Kiếm): Liệu có lặp lại tình trạng phí chồng phí?
Tôi được biết, mục đích của việc tăng giá 400 DVYT lần này để hướng tới việc bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, không để tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả viện phí, mà việc thanh toán sẽ thuộc trách nhiệm giữa hai cơ quan BHYT và bệnh viện. Đó thực sự là một mục tiêu lý tưởng không chỉ riêng của ngành y tế hướng tới mà là mong ước lâu nay của người dân. Nhưng đáng tiếc, đáp số cuối cùng của đề xuất tăng giá DVYT lần này sẽ liên quan đến mức chi thêm của quỹ BHYT là bao nhiêu lại chưa có câu trả lời trong khi lời cảnh báo về một sự điều chỉnh tăng phí BHYT đã được đặt ra. Trong điều kiện chúng ta chưa đạt mục tiêu BHYT toàn dân thì việc tăng giá DVYT sẽ gây khó khăn cho một bộ phận người dân chưa có cơ hội tham gia BHYT. Vậy việc tính toán giữa các bộ, cơ quan liên ngành như thế nào cho hợp lý, tránh trường hợp người dân kêu ca về tình trạng phí chồng phí.
Anh Đặng Thạch (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ):Tăng giá dịch vụ mà không tăng chất lượng KCB là thiếu thuyết phục
Ở các nước phát triển, y tế được xem là ngành phục vụ lợi ích công cộng. Các bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm cạnh tranh, thu hút được bệnh nhân. Còn ở Việt Nam, dường như y tế lại được xem là một ngành "kinh doanh" có lợi nhuận. Bằng chứng là ngành y tế và các bệnh viện luôn nghĩ ra nhiều hình thức, nhiều dịch vụ… để tăng nguồn thu. Thay vì đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ đội ngũ nhân viên từ tuyến cơ sở để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tải cho các BV tuyến trên… thì ngành y tế rất quan tâm đến việc tăng giá các DVYT . Chỉ khi bảo đảm có kết dư, ngành y tế và các BV mới tái đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Theo tính toán của ngành y tế, tăng giá DVYT là để "lấy thu bù chi", vì việc áp dụng các mức giá DVYT cũ từ năm 1995 đến nay đã quá lạc hậu… Nhưng trên thực tế, hầu hết các BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương đã tự nâng giá các DVYT từ nhiều năm nay. Vì vậy, rõ ràng việc tăng giá 400 DVYT lần này chỉ tác động chủ yếu đến các bệnh nhân KCB bằng thẻ BHYT. Trong khi trên thực tế, một bộ phận không nhỏ CBCNV, người hưu trí… có thẻ BHYT nhưng mỗi khi KCB tại bệnh viện lại chọn hình thức khám dịch vụ do chất lượng KCB bằng thẻ BHYT quá thấp, thủ tục nhiêu khê, khâu cấp phát thuốc không đáp ứng nhu cầu người bệnh. Thiết nghĩ, cũng như việc bán một món hàng, trước khi tăng giá hàng hóa người bán phải tăng chất lượng. Còn nếu nói như lãnh đạo ngành y tế "việc tăng giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn…" thì e rằng chưa thuyết phục.
Chị Hoàng Thị Tâm (Công ty May 28 quân đội): Nên loại bỏ những quy định, chi phí vô lý trong ngành y
Theo lý giải của lãnh đạo ngành y tế, việc điều chỉnh 400 DVYT lần này sẽ tác động theo hướng tích cực đến người bệnh. Nhưng theo tính toán của BHXH Việt Nam, việc tăng giá DVYT lần này sẽ khiến quỹ BHYT bội chi khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng/năm. Để bù đắp nguồn thu này, ngành BHXH sẽ phải đề nghị tăng mức đóng BHYT. Trong khi nền kinh tế và đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng giá theo phản ứng dây chuyền chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân. Theo tôi, thay vì tăng giá DVYT, ngành y nên phát động phong trào tiết kiệm, bởi hiện nay có rất nhiều chi phí vô lý, lãng phí mà người bệnh phải gánh chịu do những quy định "oái oăm" của các cơ sở KCB. Ví dụ, tuần trước bố chồng tôi bị suy tim, nửa đêm phải cấp cứu tại BV Đa khoa Đức Giang. Khi nhập viện, BV đã làm đầy đủ các xét nghiệm như điện tim, thử máu, thử nước tiểu… Trưa cùng ngày, gia đình quyết định cho bố tôi chuyển viện sang một BV quân đội. Mặc dù đã cầm theo các xét nghiệm được làm trước đó tại BV Đa khoa Đức Giang và sức khỏe bố tôi rất yếu, phải ngồi xe lăn, song theo yêu cầu của BV, bố tôi phải làm lại tất cả các xét nghiệm này một lần nữa. Điều vô lý là ở chỗ, khi so sánh, kết quả xét nghiệm tại hai BV đều như nhau. Nếu các BV không phủ nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì cả BV và người bệnh đều đỡ tốn kém... Vì vậy, ngành y nên học kỹ về y đức, biết tôn trọng nhau và tiết kiệm tiền của, thời gian cho bệnh nhân trước khi nghĩ đến việc tăng giá các DVYT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.