(HNM) - Bộ Tài chính vừa ban hành Dự thảo Thông tư
Ông Hoàng Thắng Lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chuyển phát nhanh Thành Đạt (ngõ 109 Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, Long Biên): Ủng hộ tăng phí nếu nhà đầu tư dành tiền đó tái đầu tư…
Tuy được điều chỉnh tăng đến 50% so với mức phí hiện hành, song về thực chất, mức phí mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo lần này không vượt quá khả năng "chịu đựng" của các doanh nghiệp vận tải. Vấn đề lớn nhất của tuyến đường này là chất lượng mặt đường, mặt cầu quá kém. Vài ba tháng đơn vị quản lý lại tiến hành một đợt duy tu, sửa chữa mặt cầu Thăng Long khiến ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, doanh nghiệp buộc phải chi phí nhiều hơn. Chúng tôi sẽ ủng hộ việc tăng phí nếu nhà thầu dành số tiền thu được để tái đầu tư, nâng cao chất lượng cầu đường. Hơn nữa, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài là cửa ngõ Thủ đô, nơi đón tiếp bạn bè quốc tế gần xa. Vì vậy, chủ đầu tư cần phải quan tâm đến chất lượng và cả tính thẩm mỹ của tuyến đường…
Anh Nguyễn Ngọc Lâm (thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm):Đến hẹn lại… tăng?
Theo tôi được biết, việc tăng mức phí lần này bắt nguồn từ đề xuất của Tổng cục ĐBVN nhằm bảo đảm nguồn thu cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Vietrancimex 8. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chất lượng của cả tuyến cầu đường, người ta sẽ đặt câu hỏi: Phải chăng Tổng cục ĐBVN mới chỉ lo cho doanh nghiệp của ngành giao thông mà chưa nghĩ đến lợi ích của người dân và các doanh nghiệp khác, những đối tượng thường xuyên đi lại trên cung đường Bắc Thăng Long - Nội Bài? Về nguyên tắc, khi tăng giá bất cứ một sản phẩm hàng hóa nào, doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng hàng hóa tương ứng với giá trị tăng thêm. Cho dù mức tăng phí lần này được Bộ Tài chính đưa ra là nhiều hay ít, thì chắc chắn các chủ phương tiện không thể thấy thoải mái để vui vẻ rút hầu bao khi chất lượng mặt cầu Thăng Long và nhiều đoạn trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện đã trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, trong thời điểm nền kinh tế đang khó khăn, sức mua hàng hóa giảm, giá nhiên liệu đầu vào liên tục biến động… thì việc tăng mức phí cũng cần phải được cân nhắc thấu đáo chứ không thể "đến hẹn lại lên"…
Ông Đặng Xuân Trình (Thị trấn Phúc Yên, Vĩnh Phúc): Không thể “ăn cây táo,rào cây sung”
Là nông dân, chúng tôi không được biết về hợp đồng thu phí hoàn vốn giữa Nhà nước với Công ty CP BOT Vietrancimex 8 như thế nào. Chỉ biết rằng, dù vẫn trả tiền phí cầu đường mỗi lần đi lại nhưng chúng tôi phải đi trên con đường lồi lõm, gập ghềnh không khá hơn đường làng là bao. Tuy vậy, điều tôi thấy vô lý trong đề xuất tăng mức phí tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài này lại không dùng cho việc duy tu bảo dưỡng chính tuyến đường tăng phí mà là dành vốn cho một dự án khác, quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Như thế đồng nghĩa với việc sẽ không có một đồng nào cho việc duy tu, sửa chữa đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và tình trạng xuống cấp của "con đường đối ngoại" này không biết khi nào được khắc phục? Không những thế, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có hai trạm thu phí khác tại thị trấn Phúc Yên và Hương Canh hiện đang phục vụ cho dự án nào? Nếu không làm rõ điều này thì người dân và người điều khiển phương tiện giao thông phải chịu nỗi ấm ức về sự nhập nhằng giữa các khoản thu tại các dự án xây dựng đường bộ khác nhau.
Anh Nguyễn Chính Nghĩa (Khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội): Liệu có lặp lại tình trạng phí chồng phí?
Trước khi có đề xuất của Tổng cục ĐBVN về tăng mức phí tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài do Công ty CP BOT Vietrancimex 8 đang phụ trách thì dư luận nhân dân đã nhiều phen "sốt nóng" về dự thảo thu quỹ bảo trì đường bộ với nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế. Quyết định lùi thời điểm thu quỹ bảo trì đường bộ từ giữa năm 2012 đến đầu năm 2013 phần nào khẳng định điều đó. Thời điểm triển khai một loại quỹ mới cận kề, việc đề xuất tăng gấp 1,5 lần mức thu phí riêng một tuyến đường cho một đơn vị kinh doanh thu hồi vốn đã khiến nhiều người dân bất bình. Đến khi quỹ bảo trì đường bộ chính thức được triển khai thì các phần đường xây dựng theo phương thức BOT sẽ thu phí theo mức nào, không lẽ người dân phải chịu song song hai loại phí? Nhà nước có phương thức nào giải quyết các trạm thu phí BOT nhằm đưa nguồn thu phí đường bộ về một mối?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.