(HNM) - Từ hôm qua 1-3, giá của 1.887 dịch vụ y tế đồng loạt được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư 37/TT-BYT-BTC của liên bộ Y tế - Tài chính (thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc).
Trước đó một thời gian dài, thông tin về việc điều chỉnh đã được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng: Không chỉ các cơ quan có liên quan tuyên truyền, giải thích mà các cơ quan truyền thông cũng vào cuộc, "mổ xẻ" từ nhiều góc độ. Mặc dù nhận được sự quan tâm rộng rãi của người dân nhưng có một điểm đặc biệt là ngoài những "băn khoăn", lo lắng do chưa hiểu thấu đáo, việc điều chỉnh lần này hầu như không "vấp phải sự phản đối nào".
Tại sao lại như vậy?
Theo lộ trình, lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này thực hiện đối với nhóm khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, với các loại chi phí như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao…; chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật (một số bệnh viện được tính luôn cả lương)... Việc điều chỉnh gần như không liên quan trực tiếp tới túi tiền của hầu hết người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngoại trừ những trường hợp bệnh nhân phải "chịu" phần đồng chi trả mà theo đánh giá của cơ quan quản lý là "ảnh hưởng không đáng kể". Đối tượng "hưởng" tác động đầu tiên và trước hết chính là bên cung cấp dịch vụ y tế - các cơ sở khám chữa bệnh. Nhờ việc điều chỉnh giá, các cơ sở khám chữa bệnh có thêm nguồn thu để tái đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đây là yêu cầu tất yếu bởi lâu nay, việc khám chữa bệnh (bằng bảo hiểm y tế) tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ mà những bất cập phát sinh đã tác động ngược trở lại (với không ít phiền phức) chính bên nhận dịch vụ y tế - bệnh nhân.
Tuy nhiên, xét cho cùng, quỹ bảo hiểm y tế hình thành vẫn do đóng góp của người dân (trích từ lương đối với đối tượng hưởng lương ngân sách, công nhân, người lao động tại khối doanh nghiệp… hoặc các mức đóng góp khác nhau đối với học sinh, sinh viên…). Tức là, xét cho cùng bảo hiểm y tế vẫn là tiền của người dân, chi theo "cơ chế" người chưa cần bù cho người cần - bệnh nhân. Đồng thời, điều người dân quan tâm nhất là chất lượng dịch vụ y tế.
Một câu hỏi khác đặt ra ở đây là khi được điều chỉnh giá hàng loạt dịch vụ y tế, chất lượng dịch vụ (y tế) liệu có tăng? Có thể liệt kê các yếu tố cấu thành dịch vụ y tế như thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, thủ tục khám chữa bệnh, thái độ của nhân viên y tế, thái độ của nhân viên phục vụ, việc khám chữa bệnh, chi phí… lâu nay vẫn bị người dân phản ánh một cách không mấy tích cực. Thực tế cũng cho thấy, những người có điều kiện sẵn sàng bỏ "thẻ" đi khám dịch vụ. Vì thế, việc điều chỉnh giá hàng loạt dịch vụ lần này là động lực, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Trong số các loại dịch vụ, dịch vụ y tế là một loại hình đặc biệt. Bởi lẽ, chất lượng dịch vụ y tế liên quan trực tiếp và mật thiết đối với sức khỏe, chất lượng sống, thậm chí sinh mạng con người. Chăm sóc sức khỏe người dân, khám và điều trị bệnh đáp ứng yêu cầu chính là mục tiêu cao nhất mà loại hình dịch vụ này phải hướng tới. Chất lượng dịch vụ y tế có được cải thiện hay không sau đợt điều chỉnh giá dịch vụ lần này còn "tạo điều kiện" cho lần điều chỉnh sau, với tác động xã hội và đối tượng thụ hưởng cũng như chịu sự tác động rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế diện "theo" bảo hiểm y tế được nâng lên còn khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân.
Trong mọi trường hợp, dù là loại hình dịch vụ đặc biệt, có tính đặc thù thì dịch vụ y tế vẫn phải bảo đảm lợi ích, trách nhiệm của bên cung cấp (cơ sở khám chữa bệnh), quyền lợi của bên nhận dịch vụ (bệnh nhân). Nói cách khác, điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ y tế là bảo đảm công bằng đối với cơ sở khám chữa bệnh thì nâng cao chất lượng dịch vụ y tế một cách tương xứng là bảo đảm công bằng cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.