(HNM) - Thời gian gần đây, nhu cầu dịch thuật những giấy tờ như hộ chiếu, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học nước ngoài và chứng thực chữ ký người dịch khá phổ biến. Có cầu ắt có cung, hoạt động dịch thuật trên địa bàn Hà Nội phát triển nhanh chóng, song cũng bộc lộ nhiều bất cập...
"Vừa làm vừa run"
Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, phòng tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Song, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, không ít cán bộ tư pháp đảm nhận công việc này "vừa làm vừa run", vì sợ liên đới trách nhiệm. Lý do chung là hầu hết người đảm nhiệm đều có trình độ ngoại ngữ khiêm tốn, chỉ có thể chứng thực chữ ký người dịch, không biết bản dịch có đúng với bản chính không.
Về bản chất, Nghị định 79 nêu rõ, chứng thực chữ ký người dịch không phải là nội dung bản dịch, nhưng không phải người dân nào cũng hiểu. Khi có vướng mắc, có ý kiến còn cho rằng, cán bộ tư pháp tiếp tay cho sai phạm. Khoản 2, Điều 18, Nghị định 79/2007/ NĐ-CP dù đã quy định người dịch phải cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch nhưng lại chưa có chế tài ràng buộc nên càng khó để giải thích cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, tình trạng dịch sai, nhầm lẫn, không thống nhất, không đầy đủ, không chính xác, sai về ngữ pháp vẫn xảy ra khá nhiều trong các bản dịch. Thậm chí có trường hợp, nội dung bản dịch trái với bản gốc, học lực trung bình nhưng lại dịch sang học lực khá trong các giấy tờ liên quan đến học tập… Hoặc, người dịch không đối chiếu với bản gốc nên dịch cả những bằng cấp giả mạo, những giấy tờ không đúng quy định của pháp luật. Cơ quan ngoại giao, lãnh sự, xuất nhập cảnh đã nhiều lần phản hồi về chất lượng bản dịch những giấy tờ liên quan xuất nhập cảnh chưa bảo đảm. Và việc này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người yêu cầu dịch thuật.
Tiêu chuẩn người dịch quá đơn giản
Để xảy ra tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, là do tiêu chuẩn đối với người dịch quá đơn giản. Với cơ chế hiện hành, người dịch không bắt buộc phải là cộng tác viên dịch thuật mà chỉ cần thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch và có bằng cử nhân ngoại ngữ. Điều này dù tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn người dịch, song chất lượng của bản dịch cũng như lợi ích của người yêu cầu dịch thuật không được bảo đảm. Dịch thuật lại không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động về lĩnh vực dịch thuật trên địa bàn Hà Nội, việc quản lý càng không đơn giản. Chưa hết, đang tồn tại tình trạng người dịch và công ty dịch thuật không có ai quản lý, hoạt động chủ yếu trên sự thỏa thuận với người có nhu cầu dịch thuật. Thù lao dịch thuật cũng tùy theo sự thỏa thuận của người dịch và người có nhu cầu dịch thuật nên không tránh khỏi việc người có nhu cầu dịch thuật có thể phải trả khoản phí cao hơn mặt bằng chung.
Khắc phục tình trạng này, Thông tư số 03/2008/TT-Bộ Tư pháp ban hành khuyến khích các phòng tư pháp tổ chức đội ngũ cộng tác viên dịch thuật và người dịch là cộng tác viên phải ký hợp đồng dịch thuật với phòng tư pháp. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội chỉ một số quận, huyện, thị xã thực hiện được việc tổ chức đội ngũ cộng tác viên dịch thuật và ký hợp đồng dịch thuật với cộng tác viên như Hoàng Mai, Thanh Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Trì, Sơn Tây… Các quận, huyện còn lại không thực hiện việc ký hợp đồng dịch thuật đối với cộng tác viên dịch thuật với lý do người dịch hoạt động không ổn định tại một địa phương. Như vậy, với những trường hợp người tự dịch đến chứng thực bản dịch, cán bộ tư pháp không khỏi băn khoăn, không chứng thực thì không đúng quy định, nhưng nếu chứng thực thì không kiểm soát được tính chính xác của nội dung văn bản dịch.
Do đó, cần thiết nghiên cứu, đưa ra các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch, trách nhiệm của tổ chức và hơn hết là thành lập một hội đồng kiểm tra trình độ dịch thuật (do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm tổ chức) để kiểm tra trình độ dịch thuật của người dịch. Ai có đủ tiêu chuẩn cũng cần được Bộ Tư pháp công nhận tính pháp lý và công bố công khai trên website của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và niêm yết tại các phòng tư pháp địa phương cho các cơ quan, tổ chức và người dân biết, liên hệ. Ngoài ra, cần nghiên cứu tiêu chuẩn riêng đối với dịch thuật viên và cộng tác viên dịch thuật bởi nếu chỉ có tiêu chuẩn cho dịch thuật viên thì sẽ lẫn lộn giữa người dịch chuyên nghiệp (chỉ hoạt động nghề nghiệp dịch thuật) và người dịch nghiệp dư (làm thêm ngoài giờ). Hơn nữa, nếu không có tiêu chuẩn cho cộng tác viên dịch thuật sẽ để lãng phí nguồn lực dồi dào là đông đảo người giỏi ngoại ngữ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, có nhu cầu làm thêm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.