(HNM) - Với chương trình đào tạo liên thông, hiện nay, mạng lưới trường dạy nghề đã hình thành và phát triển với đủ cấp độ đào tạo. Tuy nhiên, đổi mới theo hướng nào, hiệu quả đến đâu là vấn đề mà chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH.
Ông Nguyễn Tiến Dũng. |
- Ngành dạy nghề sẽ giải quyết vấn đề đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội như thế nào, thưa ông?
- Đúng là hiện nay chúng ta phải gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội, vì thế khi xác định chỉ tiêu đào tạo cho các trường thì Bộ LĐ-TB&XH sẽ thẩm định, nếu trường đáp ứng đủ điều kiện mới giao chỉ tiêu, mà chỉ tiêu này phải do trường đăng ký xuất phát từ khả năng của mình. Thực tế có nhiều trường làm rất nghiêm túc nhưng có trường chưa. Còn về kết quả đầu ra cho hệ cao đẳng nghề, chúng tôi đang đánh giá lại toàn bộ quy trình cũng như chương trình đào tạo cho các khóa CĐ nghề khóa 1 (2007-2010). Chúng tôi đã bắt đầu rà soát lại chương trình khung để khóa 2 được tốt hơn. Đầu vào với CĐ nghề là mở, ai đủ điều kiện thì vào. Điều quan trọng là "sản phẩm đầu ra" phải như "sản phẩm công nghiệp". Chúng tôi cũng tiến tới cải tiến thi cử để sinh viên ra trường không còn xếp hạng theo thứ bậc khá, trung bình hay kém. Vì sản phẩm ra khi đã có chuẩn hóa thì như nhau.
- Thưa ông, có nhiều người lại mong muốn có bậc đại học nghề, thậm chí đào tạo cao lên nữa... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi thì đối với phát triển nguồn nhân lực có hai hướng: hàn lâm và thực hành, kỹ năng nghề nghiệp. Cả hai hướng này đều có điều kiện và cần tạo điều kiện để phát triển. Còn liên thông như hiện nay (thông tư giữa hai Bộ LĐ-TB&XH và GD-ĐT vừa ký), chuyển những sinh viên đang đi theo hướng nghề nghiệp sang hướng hàn lâm thì đây không phải là con đường hay nhất. Vì chúng ta cần những người thợ giỏi như nghệ nhân, vì thế trong chương trình trung cấp nghề, chúng tôi đang dạy 70% thực hành, 30% lý thuyết. Còn nếu để một nghệ nhân đi vào hàn lâm, sáng chế thì tôi nghĩ là rất khó. Tôi có được dự phiên họp của Chính phủ, chính Thủ tướng cũng đã nói sẽ xem xét thí điểm ĐH nghề. Chúng tôi cũng rất suy nghĩ việc này nhưng trước hết chúng tôi phải làm tốt CĐ nghề.
Xưởng hàn tiện của Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
- Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với những sinh viên học nghề ra trường. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã trình Bộ LĐ-TB&XH. Trước mắt Bộ đang triển khai để ra thông tư về vấn đề này. Hướng của chúng tôi là CĐ và CĐ nghề, trung cấp và trung cấp nghề trước hết phải bằng nhau, khi vào làm các cơ quan hành chính sự nghiệp thì mức lương khởi điểm phải như nhau. Nếu đi vào sản xuất thì tùy theo nghề, vị trí công việc để xét lương.
- Đào tạo nguồn nhân lực là rất cấp thiết cho chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, vậy trong thời gian tới ngành dạy nghề sẽ tập trung vào những vấn đề gì để nâng cao chất lượng đầu ra, thưa ông?
- Thứ nhất, là kiên quyết gắn đào tạo nghề với nhu cầu của xã hội nghĩa là cung cấp nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động. Thứ hai, tập trung giải quyết bài toán chất lượng. Cụ thể Bộ đã trình Chính phủ hai đề án là đổi mới phát triển dạy nghề và dạy nghề ở nông thôn. Trong đó đề án đổi mới phát triển dạy nghề nhằm giải quyết tay nghề bậc cao, đòi hỏi Nhà nước đầu tư rất tập trung theo nghề đào tạo, còn đề án dạy nghề nông thôn thì mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động và 80% số này đến năm 2015 phải có việc làm để nâng cao chất lượng sản xuất và chất lượng đời sống.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.