(HNM) - Chủ trì phiên họp chiều 12-4 trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các "tư lệnh" trong bộ máy mới tập trung giải quyết những việc cấp bách liên quan đến đời sống nhân dân như chống hạn hán, xâm nhập mặn; vấn nạn an toàn thực phẩm… Mục tiêu của Chính phủ hết sức rõ ràng: Không để cạn kiệt ngân sách, không để doanh nghiệp kiệt sức, không để người dân bị đau, bệnh tật; không để chủ quyền quốc gia bị xâm phạm và đặc biệt không để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu tràn lan trong xã hội…
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Thủ tướng chỉ rõ hàng loạt thách thức như: Nợ công ở mức cao, giá dầu tác động mạnh đến nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm ngay trong quý I; bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả… Đồng thời yêu cầu: "Các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần kiến tạo, tập trung đề xuất cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo nguồn lực cho phát triển. Cái gì kìm hãm thì bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện…". Thủ tướng nhấn mạnh: Phải dám làm, dám chịu trách nhiệm!
Có thể thấy, ngay phiên họp đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện tinh thần hành động quyết liệt nhằm giải quyết rốt ráo những vấn đề đang đặt ra trong đời sống xã hội.
Thành viên Chính phủ, các vị "tư lệnh ngành" cũng thể hiện rất rõ tinh thần ấy. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: "Cái tôi muốn là không cần phải nói quá nhiều, mà phải bằng hành động thực tiễn, bằng hiệu quả công việc cụ thể… Đã nói, đã hứa thì phải làm, làm là phải được, còn được thì cũng phải được đàng hoàng"... Thị sát việc khắc phục sự cố Cầu Ghềnh (Đồng Nai), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa yêu cầu: Phải nhanh chóng xử lý, bỏ qua các thói quen trì trệ để tập trung cho một mục tiêu là hoàn thành cầu mới, nối lại đường sắt huyết mạch… Rút ngắn thời gian thi công, có thể giảm thiệt hại cho nền kinh tế từ 6 đến 10 tỷ đồng/ngày, vì vậy tất cả phải nêu cao tinh thần trách nhiệm…
Đánh giá đúng thực trạng mới có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Mặt khác, chủ trương, chính sách có phát huy được hiệu quả trong thực tế đời sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm, năng lực hành động, mức độ quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đó. Nói cách khác là phụ thuộc vào năng lực của người tổ chức thực hiện chính sách.
Cải cách hành chính trên tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc), Hà Nội đã tạo được những chuyển biến bước đầu về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm trong đội ngũ công chức. Tại quận Nam Từ Liêm, thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được rút ngắn từ 27 ngày theo quy định xuống còn 7 ngày… Và đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về hiệu quả của những cách làm mới, về tinh thần "rõ người, rõ việc". Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, xác định lại chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND cấp huyện để một người một việc không chồng chéo…
Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng lấy kết quả thực tiễn để đánh giá hiệu quả, tính đúng đắn của chính sách và năng lực thực hiện là hết sức cần thiết. Cơ chế, chính sách dù hết sức quan trọng cũng chỉ là tiền đề, phải thông qua việc tổ chức thực hiện để đi vào cuộc sống. Và do vậy, cải cách phải bắt đầu từ những "công bộc" trong bộ máy công quyền (người đưa chính sách vào đời sống) với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, nhất là người đứng đầu. Mặt khác, cần phải thấy rằng, công khai, minh bạch là đòi hỏi tất yếu đối với bộ máy hành chính chuyên nghiệp. Và đây cũng là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa các hành vi tiêu cực, các biểu hiện làm suy giảm hiệu quả hoạt động của chính quyền…
Một vấn đề khác, tại kỳ họp mới đây của Quốc hội, một vị đại biểu của dân tha thiết nói: "Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ "tăng cường", "đẩy mạnh", "nâng cao"… Đó là một thực tế. Nếu người được trao thẩm quyền, bộ máy chỉ hô "quyết tâm" mà không hành động sẽ không có bất cứ biến chuyển nào. Hội nhập quốc tế, phải đối mặt với không ít khó khăn, đất nước rất cần những vị lãnh đạo có tầm nhìn đổi mới, khả năng hoạch định chính sách và hơn hết là những con người hành động, quyết liệt thực hiện những ý tưởng mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân…
Một không khí đổi mới đang lan tỏa và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội. Doanh nghiệp và người dân đặt hy vọng vào một bộ máy hành chính năng động, kỷ cương, kỷ luật, phản ứng chính sách kịp thời với đội ngũ "công bộc" dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm…Tạo dựng những chính sách gắn với đời sống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc là trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Chính quyền các cấp lấy việc phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn làm mục tiêu phấn đấu. Do vậy chất lượng cuộc sống người dân là thước đo chính xác nhất quyết tâm cũng như hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.