(HNMO) - Để thực hiện việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam có hiệu quả, có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển rất cần những chính sách linh hoạt phù hợp trong lĩnh vực này...
Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 46/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP - quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2011 sẽ giải quyết rốt ráo được việc lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động...
Cần thấy rằng chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài của chúng ta từ trước tới nay không có gì thay đổi vẫn là bảo vệ thị trường lao động trong nước và chỉ sử dụng lao động người nước ngoài có trình độ, có kinh nghiệm, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định 46/2011/NĐ-CP, mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể Nghị định này nhưng đã có nhiều ý kiến khác nhau đến từ các doanh nghiệp (DN).
Kiên quyết với lao động không giấy phép
Nhìn tổng quan tình trạng lao động người nước ngoài trong mấy năm gần đây ở Việt Nam, Cục việc làm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, lao động người nước ngoài đến từ 65 quốc gia, chủ yếu mang quốc tịch châu Á chiếm khoảng 58%. Năm 2008, có 52.633 lao động nước ngoài thì đến năm 2009 đã tăng lên 55.428 lao động và năm 2010 đã có tới 56.929 lao động. Đến năm 2011, số lượt lao động đã tăng tới 74.000 người. Về trình độ, cơ cấu nghề nghiệp: Người nước ngoài có trình độ đại học, trên đại học chiếm 48,3% so với tổng số người nước ngoài; có chứng chỉ chuyên môn tay nghề chiếm 34,6%; người nước ngoài là nghệ nhân, ngành nghề truyền thống chiếm 17,1%. Phần lớn người nước ngoài làm việc theo các hợp đồng lao động chiếm 54,4%, trong đó hợp đồng lao động từ 24 tháng đến 36 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất 76,4%; hợp đồng lao động dưới 12 tháng chiếm 23,6%.
Việc sử dụng người lao động người nước ngoài tăng liên tục như trên trong hoàn cảnh Việt Nam đang lo lắng tìm kiếm thị trường XKLĐ cũng gây không ít lo ngại cho nhiều người. Nếu cho rằng sự gia tăng là do sự đầu tư từ nước ngoài vào VN đồng thời nhiều lĩnh vực mới đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn của người nước ngoài thì có thể hợp lý. Nhưng qua thanh, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp người lao động chưa được cấp giấy phép cộng với tình trạng xuất hiện nhiều cửa hàng, quán ăn có biển bằng tiếng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thị trường ở những dự án lớn do nhà thầu nước ngoài thi công tại một số tỉnh trong nước là mối lo ngại về cách quản lý lao động nước ngoài. Bởi đa số lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc không phép đều bằng thị thực du lịch hoặc được khai báo là có kinh nghiệm trong nghề nghiệp nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Trước tình hình đó Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 734 để chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC. Với nội dung yêu cầu các dự án, gói thầu phải nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động trên các công trường. Cùng đó, từ ngày 1/8/2011, Nghị định 46/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung các quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành để các cơ quan chức năng thêm kiên quyết xử lý theo đúng thẩm quyền như xử phạt hành chính, thậm chí cho xuất cảnh hoặc trục xuất nếu không có giấy phép. Tất nhiên, thời gian qua tỷ lệ người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động cũng đã được tăng lên phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của các DN.
Thống nhất cách hiểu để tạo sự đồng thuận
Nghị định 46/2011/NĐ-CP với một số nội dung mới như bổ sung thêm hai đối tượng được phép sử dụng người lao động nước ngoài như: Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam; bổ sung hẳn một điều 6a với 7 mục nhỏ quy định cụ thể rõ ràng việc tuyển dụng, sử dụng lao động kể từ khi chào thầu, đến khi làm hồ sơ tham gia dự thầu, chấm thầu và tổ chức thực hiện ở Việt Nam; chú ý đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như tăng cường công tác trách nhiệm của các Bộ, ngành như trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Y tế. ..
Nhưng khi Nghị định này được ban hành thì các doanh nghiệp có một số lo ngại về thủ tục thông báo tuyển dụng, hồ sơ tuyển dụng, hợp đồng tuyển dụng... Những lo ngại đó thực ra cũng rất chính đáng của các DN. Dù sao thì các bức xúc trên của DN không phải là do điểm mới của NĐ46 gây ra theo cách hiểu của các DN mà chính trong NĐ34 trước đã quy định vấn đề này rồi, nay NĐ46 chỉ nhắc lại và làm rõ thêm là phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam dự kiến tuyển người nước ngoài trên ít nhất 01 số báo Trung ương và ít nhất 01 số báo địa phương về các nội dung tuyển dụng. Đáng chú ý là người lao động nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động mới phải thực hiện thông báo tuyển dụng, chứ 5 hình thức còn lại là di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Việt Nam; thực hiện các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; người nước ngoài đại diện cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam không cần phải thông báo tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể điều này dễ biến thành hình thức nếu DN không quan tâm tới việc sử dụng lao động Việt Nam khi họ đáp ứng được các yêu cầu từ doanh nghiệp.
Còn thủ tục gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài có yêu cầu người sử dụng lao động phải nộp bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa doanh nghiệp với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm không phải gây khó khăn cho DN mà thực tế theo điều 132 của Bộ Luật LĐ, NQ48 về đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ trước đây cũng đã quy định rõ. Đây là lúc DN thể hiện mình đã tuân thủ pháp luật Việt Nam trong kèm cặp, đào tạo, giúp đỡ người lao động VN thay thế hay chưa. Có lẽ cũng cần phải bàn thêm về cách hiểu điều 132 của Bộ Luật Lao động giữa các DN và các nhà quản lý. Một ý trong khoản 1 của điều 132 là: “Đối với công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý mà phía Việt Nam chưa đáp ứng được, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được tuyển người nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có kế hoạch, chương trình đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó và thay thế họ”. Cách hiểu chỉ cần có “có kế hoạch, chương trình đào tạo” chứ không buộc DN thực sự phải đào tạo người lao động Việt Nam thay thế người lao động nước ngoài là hoàn toàn ngược nhau. Chắc chắn tinh thần của Luật là DN phải thực sự kèm cặp, đào tạo, giúp đỡ người lao động VN để thay thế vị trí người lao động nước ngoài.
Để thực hiện việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam có hiệu quả, có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển rất cần những chính sách linh hoạt phù hợp trong lĩnh vực này, nhất là cách hiểu thống nhất về các điều khoản của luật, nghị định cũng như sự đồng thuận của chủ sử dụng lao động, người lao động với các cơ quan quản lý nhà nước trong khi thực thi pháp luật./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.