Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chặt” cầu sẽ hết cung

Tùng Linh| 02/04/2010 06:56

(HNM) - Thời gian qua, trên thị trường bày bán rất nhiều sản phẩm kẹo que phát sáng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả cho thấy, trong que mút có chứa chất gây ung thư. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc để kiểm tra, thu hồi và tiêu hủy.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ở những nơi thường bày bán loại kẹo này như trước cổng trường, hàng tạp hóa nhỏ đã ít thấy xuất hiện kẹo phát sáng. Nhưng những loại quà có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con trẻ chỉ có thể không "tái xuất" khi bị chính người tiêu dùng tẩy chay.

Kẹo phát sáng.

Nhiều loại quà vặt "3 không"

Chiều 1-4, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 630 chiếc kẹo mút phát sáng có chứa chất gây ung thư; 13kg bim bim, ô mai, kẹo mút không rõ nguồn gốc... tại 25 cơ sở, trong số gần 1.000 điểm được kiểm tra. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra và thu giữ loại kẹo này, bởi đây là hàng lậu nên có thể nó vẫn đang được bán lén lút.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong tuần qua, ngay sau khi Cục yêu cầu các địa phương trên cả nước phải thu hồi khẩn trương kẹo phát sáng mà không cần phải xét nghiệm, lực lượng thanh tra liên ngành các địa phương đã tích cực ra quân. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã phát hiện, thu hồi loại kẹo này, tuy nhiên với số lượng rất ít. Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên Hànộimới sáng 1-4 tại cổng các trường tiểu học Nghĩa Tân, Quan Hoa (Cầu Giấy), Bạch Mai (Hai Bà Trưng), Cầu Diễn (Từ Liêm), Đông Thái (Tây Hồ), Thái Thịnh (Đống Đa), Kim Đồng (Ba Đình), Phương Liệt (Thanh Xuân)..., đều không thấy bán loại kẹo độc hại này. Nhưng lại có rất nhiều loại bim bim, ô mai, kẹo mút que đủ màu... "đạt" chuẩn "3 không" (không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt, không hạn sử dụng) được bày bán công khai với số lượng lớn. Điển hình tại cổng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, hai quầy hàng bán đồ lưu niệm, bánh, kẹo cho học sinh rất sẵn loại bim bim (ngoài bao bì in hình hai bàn tay siêu nhân), ô mai dưa hồng (có hình quả dưa hồng), thịt khô (hình con hổ)... với mức giá dao động 2-3.000 đồng/gói. Loại kẹo mút que hình tròn, dẹt "bẩy sắc cầu vồng" (giá từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/que tùy kích cỡ) chỉ được bọc trong túi ni lông rất sơ sài, không nhãn mác, dễ bị chảy nước, vi khuẩn xâm nhập... Các chủ cửa hàng cho hay, họ lấy hàng từ những người mang đến đổ buôn tại chỗ nên không biết nguồn gốc từ đâu, nhưng các mặt hàng này dễ tiêu thụ vì giá rẻ, hợp khẩu vị của học sinh.

Mặc dù các ban, ngành chức năng đang nỗ lực vào cuộc, nhưng đến nay, nguồn gốc của loại kẹo mút phát sáng độc hại và những mặt hàng "3 không" nêu trên cũng chưa được các cơ quan chức năng làm rõ.

Giúp học sinh nhận thức được tác hại

Theo báo cáo liên ngành GD-ĐT và y tế về công tác y tế học đường năm học 2008-2009, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được các trường quan tâm đúng mức, trong năm học không có vụ ngộ độc lớn xảy ra tại trường. Kế hoạch liên ngành cho năm học 2009-2010, hai đơn vị tiếp tục đề ra mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn tại trường học.

Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia, trong thân kẹo mút phát sáng có Phtalate dung môi kết hợp với Poly aromatic hydrocacbon (PAH). Hai chất này khi trộn vào nhau, khi bị ôxy hóa tạo ra năng lượng phát sáng trên thân cây kẹo. TS Hảo còn khẳng định, PAH là một chất cực độc chỉ được dùng trong công nghiệp, nếu vào cơ thể có thể gây ung thư, đột biến gene.

Vân Nga

Trao đổi về vấn đề bảo đảm ATVSTP tại các trường học hiện nay, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong năm học, các cán bộ y tế dự phòng thường xuyên tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra định kỳ để đánh giá từng trường, đặc biệt là những trường có bán trú về cơ sở vật chất nhằm bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng bệnh cũng như ATVSTP. Đối với những trường chưa có cán bộ y tế chuyên trách Sở sẽ huy động cán bộ của trạm y tế xã, phường tham gia hỗ trợ. Ngành y tế và GD-ĐT phối hợp giám sát rất chặt chẽ hoạt động bảo đảm ATVSTP trong trường học, còn ngoài phạm vi trường thì khó quản lý.

Nhà trường không quản lý và xử lý được hàng rong ngoài cổng trường, nhưng có thể dạy cho học sinh biết, không nên ăn những món quà vặt không có lợi, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe... Nếu cô giáo, cán bộ y tế trường học thường xuyên cảnh báo về những loại quà vặt không nên ăn thì "cầu" về loại hàng hóa này sẽ giảm và "cung" sẽ tự triệt tiêu. Việc làm này sẽ có hiệu quả lâu dài bên cạnh việc kiểm tra - tịch thu - tiêu hủy.

TP Hồ Chí Minh:

Xử lý nhiều trường hợp buôn bán kẹo phát sáng

(HNM) - Ngày 1-4, Chi cục Quản lý thị trường TP cho biết, trong đợt triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường kẹo phát sáng vừa qua, Chi cục đã tiến hành kiểm tra chuyên ngành và liên ngành tổng cộng 229 vụ. Phần lớn số vụ vi phạm kinh doanh kẹo phát sáng đều không rõ nguồn gốc như không có hóa đơn, chứng từ; hàng ngoại không có nhãn hiệu phụ bằng tiếng Việt và không niêm yết giá hàng hóa. Đặc biệt trong đợt ra quân lần này, Chi cục QLTT đã kiểm tra 19 điểm bán kẹo lưu động như trước cổng trường, vỉa hè, trong tiệm bánh kẹo, tại cửa hàng trong chợ… đã phát hiện và thu giữ được 779 cây kẹo phát sáng vi phạm những lỗi nói trên. Chi cục đã tiến hành lập biên bản, niêm phong, thu giữ toàn bộ số hàng nói trên chờ xử lý.

Hồ Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chặt” cầu sẽ hết cung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.