Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấp nhận “sống chung” với ngập lụt?

Việt Tuấn| 18/12/2013 06:39

(HNM) - Tình trạng ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh ngày một gia tăng. Thậm chí ngay cả lãnh đạo thành phố cũng phải thừa nhận bất lực, không thể chống nổi, phải chấp nhận tìm cách “sống chung” với ngập lụt.


Người dân phải tập “sống chung” với ngập lụt.


Bịt chỗ này, rò chỗ khác

Theo Trung tâm Chống ngập TP Hồ Chí Minh, năm 2013 thành phố xử lý được 9 điểm ngập, nhưng lại phát sinh 21 điểm ngập mới. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình xây dựng, thi công không bảo đảm cho việc tiêu thoát nước, nên mỗi khi mưa lớn hay triều cường dâng thì như ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, "phố bỗng thành dòng sông chảy quanh", người dân lại phải bì bõm đi lại trên những tuyến "sông" trong nội thành. Nhất là khu vực các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 6, quận 7, Thủ Đức… do hệ thống thoát nước kém. Đặc biệt, khi xây dựng tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, do dẫn dòng không hợp lý, đoạn qua quận Thủ Đức thường xuyên bị ngập vì triều cường, làm người dân phường Hiệp Bình Chánh trong khốn đốn thời gian qua với mực triều cường thường xuyên dâng cao tới 1,6m.

Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII, nhiều đại biểu đã bức xúc cho rằng, công tác chống ngập trên địa bàn thành phố thời gian qua không hiệu quả. Hai năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư đưa vào vận hành 246 tuyến cống thoát nước với chiều dài 333,4km, triển khai hàng trăm dự án cấp bách để giải quyết ngập với khoảng gần 1 tỷ USD, thế nhưng tình trạng ngập lụt vẫn diễn biến phức tạp, ngập vẫn hoàn ngập! Trong số những nguyên nhân có cả việc thi công các công trình, vì vậy việc khắc phục một số điểm ngập có thể làm được, nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị thi công và các ngành chức năng của thành phố. Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Công cũng thừa nhận, do quản lý chưa tốt nên một số đơn vị thi công dẫn dòng không hợp lý, xâm chiếm dòng chảy, dẫn đến ngập khi mưa lớn hoặc triều cường dâng. Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Trung tâm sẽ phối hợp với các ngành chức năng của thành phố cùng với các đơn vị thi công khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Công, muốn giảm ngập bền vững thì phải có hệ thống đê bao và hệ thống kiểm soát triều.

Phải nghĩ cách “sống chung” với ngập lụt

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố đang tính toán đến phương án phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại do triều cường, mưa lớn; đồng thời người dân phải nghĩ cách sống chung chứ không thể chống nổi. Lý giải về tình trạng ngập nước, ông Lê Hoàng Quân cho rằng đây là vấn đề toàn cầu. Việt Nam nằm trong nhóm chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nặng nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo đến năm 2050, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 30% diện tích bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, trong đó TP Hồ Chí Minh cũng không là ngoại lệ với gần 700km2 có nguy cơ bị tác động. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, các công trình chống ngập của thành phố đều phải tính toán đến yếu tố biến đổi khí hậu.

Phân tích về tình trạng ngập lụt và tìm giải pháp sống chung, nhiều nhà khoa học thuộc Viện Thủy lợi và môi trường (cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh) cho rằng, có 3 yếu tố gây ngập. Đó là do triều cường, mưa và lũ ở thượng nguồn đổ về; địa hình thành phố thấp hơn do mực nước thủy triều và hệ thống thoát nước đã xuống cấp, quá tải, dẫn đến tắc nghẽn. Theo Thạc sĩ Lê Xuân Bảo (Phó Viện trưởng Viện Thủy lợi và môi trường), để chống ngập, TP Hồ Chí Minh cần tiến hành giải pháp tổng hợp gồm biện pháp công trình và phi công trình. Biện pháp công trình gồm xây dựng nhiều hệ thống thoát nước, kênh rạch, đê bao, quy hoạch đô thị…; biện pháp phi công trình gồm xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm (như cảnh báo thiên tai) nhằm hỗ trợ cho người dân biết trước thông tin để phòng và chống ngập, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế. Hai biện pháp này phải triển khai đồng bộ trên toàn thành phố, nếu không sẽ chống chỗ này gây ngập chỗ kia.

Một số nhà khoa học đã đề xuất với TP Hồ Chí Minh, việc xây đê bao không khả thi lắm bởi hệ thống kênh rạch ở thành phố chằng chịt, đắp đê bao quanh sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho các khu vực xung quanh thành phố. Nên chăng TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn di dời dân từ những vùng thấp đến những vùng cao; mỗi người dân phải tập sống quen với ngập lụt. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng nhiều hồ chứa tự nhiên để điều tiết lượng nước do triều cường, mưa và lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấp nhận “sống chung” với ngập lụt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.