(HNMO) - Ngày 5-4, hầu hết tuyến phố trung tâm Thủ đô thưa thớt người qua lại, điểm kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đều đóng cửa. Tại khu vực ngoại thành, các địa phương tiếp tục duy trì nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Nhịp sống ít nhiều có sự thay đổi, nhưng quãng thời gian này cũng là cơ hội để mỗi người tăng sự gắn kết gia đình...
Đường phố, địa điểm công cộng vắng người
5h sáng, các khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang và phụ cận không còn cảnh người dân tập thể dục. Tại làng Ngọc Hà (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), chợ cóc trong những ngõ nhỏ đã được dẹp bỏ từ nhiều ngày nay. “Riêng khu vực hồ ngõ 135 phố Đội Cấn trước đây nhiều quán giải khát, công an phường lập rào chắn để người dân không tập trung”, Trung tá Đào Thanh Tùng, Trưởng Công an phường Ngọc Hà cho biết.
Trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, lượng người và xe đã giảm. Tại chung cư Royal City (72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), toàn bộ quảng trường đã đặt biển cảnh báo không đi bộ, tụ tập.
Nhiều khu vực khác trên địa bàn Hà Nội cũng thưa thớt người. Kết quả này có được nhờ các địa phương tiếp tục duy trì tổ chức thực hiện, tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện cách ly xã hội, kết hợp giám sát, xử lý vi phạm.
Tại quận Hoàng Mai, quận tổ chức 14 xe tuyên truyền lưu động tới 14 phường trên địa bàn với thời lượng 2 buổi/ngày về các nội dung liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND phường Đại Kim Phạm Hải Bình thông tin: “Hằng ngày, phường cử 3 cán bộ, công chức đi xe máy có gắn loa tuyên truyền về dịch Covid-19 trên khắp địa bàn, đặc biệt là những khu vực đông dân cư, chợ…”.
Theo ông Phạm Hải Bình, từ ngày 28-3 đến nay, lực lượng chức năng phường đã xử phạt 12 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Trong khi đó, tính đến ngày 5-4, quận Thanh Xuân đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 41 tổ chức, cá nhân (khám chữa bệnh, kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế) không tuân thủ về phòng, chống dịch Covid 19; xử phạt 16 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Thiếu tá Trần Đức Quang, Trưởng Công an phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) cho biết: Ngày 4-4, lực lượng chức năng của phường đã xử phạt 5 trường hợp không đeo khẩu trang, nhắc nhở 24 trường hợp; đồng thời, lập biên bản 1 cơ sở kinh doanh trà sữa đang hoạt động ở đường Nguyễn Trãi, đề xuất Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân xử phạt theo điểm a, khoản 4, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Tại huyện Phúc Thọ, theo ghi nhận, việc lập chốt kiểm soát mang lại nhiều kết quả. Trên địa bàn xã Xuân Đình, nhiều ngày nay, xã duy trì 10 chốt kiểm tra y tế với 60 người tham gia (mỗi chốt 10 người, làm việc theo ca). “Tất cả thông tin từ các chốt được cập nhật về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã hằng ngày. Đến nay, chúng tôi chưa phải xử phạt một trường hợp nào không chấp hành” - ông Hồ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình cho biết.
Ứng trực tại một chốt ở thôn Tiên Mai (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) sáng 5-4, anh Đồng Văn Đạt - thành viên tổ kiểm tra, chia sẻ: "Những ai có việc như ra đồng chăm sóc rau màu, trang trại chăn nuôi, đi mua thực phẩm…, chúng tôi chỉ nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và sát khuẩn. Riêng những trường hợp đi thăm, đến chơi nhà người thân, hàng xóm..., chúng tôi đều tuyên truyền và vận động về nhà. Do đó, người dân trong thôn rất tuân thủ".
Có nơi, người dân đưa cả việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bênh vào quy ước của thôn. Điển hình như tại thôn Phố Chợ, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), ông Lê Đăng Vệ, người dân trong thôn cho biết: "Chúng tôi đã thống nhất đưa vào quy ước của thôn, nếu ai vi phạm như tụ tập đông người, không đeo khẩu trang sẽ bị phạt tiền và lao động công ích vệ sinh trong thôn".
Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật thông tin thêm: Toàn xã lập 42 chốt y tế và kiểm soát tại các thôn, xóm. Đến nay, chưa có trường hợp nào vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cơ hội tăng sự gắn kết gia đình
Việc thực hiện yêu cầu cách ly toàn xã hội ít nhiều làm thay đổi nhịp sống, công việc thường nhật của mọi người. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tăng sự gắn kết gia đình khi các thành viên có nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc nhau.
Chị Hồ Thị Thùy Trang (chung cư R4B Royal City) chia sẻ: “Tôi ở nhà làm việc online, thỉnh thoảng xuống siêu thị mua đồ. Tôi thấy các thành viên trong gia đình có sự gắn kết hơn do tham gia các hoạt động trong nhà cùng nhau nhiều hơn, nhất là việc bếp núc rồi chuyện trò, giải trí. Hiếm mới có dịp cả 3 bữa trong ngày, gia đình tôi ăn cùng nhau đều đặn”.
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Mai (phố Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy) cho biết, nếu trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, các gia đình thường rủ nhau đi bộ quanh công viên hoặc quây quần để cùng uống trà, thì nay chỉ trao đổi qua điện thoại. Người nào nhà nấy...
Anh Nguyễn Kỳ Anh (khu tập thể 27-7 phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy) cũng phải thay đổi thói quen trước đây như tụ tập bạn bè cà phê hay ăn uống những ngày cuối tuần. “Nghiêm túc thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, tôi lại có thời gian chăm sóc ngôi nhà của mình nhiều hơn”, anh Nguyễn Kỳ Anh cho biết.
Còn chị Đặng Thị Nụ ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) lại có hoàn cảnh khác. Do làm ở khu du lịch gần nhà nên quanh năm chị bận bịu, ngay cả Tết Nguyên đán, thời gian nghỉ cũng rất ngắn. Nhưng lần này như chị nói vui: “Cách ly xã hội đã giúp gia đình tôi có những ngày tết dài, thú vị, ấm áp”. Vẫn còn đó gánh nặng mưu sinh với cơm áo, gạo tiền, nhưng chị có thời gian để chơi, trò chuyện với các con nhiều hơn, vợ chồng chị có cơ hội uốn nắn, dạy bảo con: Nấu cơm, dọn nhà, làm giá đỗ, làm bánh, đọc sách, xem phim...
Chị Nụ cười vui: “Đây là thời gian vàng để những điều đơn giản mình muốn làm cho những người thân yêu thành hiện thực và cũng là thời gian vàng để mỗi người góp sức chống dịch Covid-19 một cách thiết thực, hiệu quả nhất".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.