Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Chắp cánh'' cho thương hiệu quốc gia

Lam Giang| 19/02/2022 06:12

(HNM) - Sau hơn 18 năm triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, đến nay đã có 124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia và ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để “chắp cánh” cho thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp quốc gia Việt Nam vươn xa trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm.

Hệ thống bán lẻ BRGMart và Haprofood/BRGMart của Tổng công ty Thương mại Hà Nội được vinh danh thương hiệu quốc gia 6 lần liên tiếp.

Điểm sáng thương hiệu quốc gia toàn cầu

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) vừa được Brand Finance (tổ chức định giá thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh) định giá 8,758 tỷ USD (tăng 2,697 tỷ USD, tức gần 45% so với năm 2021). Đáng chú ý, trong “Bảng xếp hạng tốp 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2022”, Viettel đứng ở vị trí 227, tăng 99 bậc so với năm trước.

Cũng theo đánh giá của Brand Finance, trong nhóm các thương hiệu viễn thông hàng đầu thế giới, Viettel đứng ở vị trí thứ 18. Tại Đông Nam Á, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 và nằm trong tốp 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực. Ở trong nước, Viettel được vinh danh là thương hiệu hàng đầu quốc gia trong Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Với 6 lần liên tiếp được vinh danh thương hiệu quốc gia, thương hiệu Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP đang ngày càng khẳng định vị thế và vươn xa. Trong lĩnh vực xuất khẩu, Hapro chiếm lĩnh thị trường gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong hoạt động thương mại nội địa, hệ thống bán lẻ BRGMart và Haprofood/BRGMart phát triển mạnh mẽ, được người tiêu dùng tín nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, là địa chỉ cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá... Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm khẳng định: “Hapro định hướng kinh doanh theo các giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia, gồm chất lượng, đổi mới sáng tạo, năng lực tiên phong”.

Thực tế, xây dựng thương hiệu đang trở thành “chìa khóa” để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định uy tín và vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh” xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Giai đoạn 2016-2020, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 226% từ 141 tỷ USD (năm 2016) lên 319 tỷ USD (năm 2020), xếp thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu mạnh thế giới. Bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng 33 trong danh sách này, đạt 388 tỷ USD giá trị thương hiệu, tăng 21,69% so với năm 2020.

Thép Hòa Phát của Tập đoàn Hòa Phát là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.

Nỗ lực đưa thương hiệu vươn xa

Việc thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất, nhập khẩu cùng với sự cố gắng của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.

Với định kỳ 2 năm một lần, từ chỗ chỉ có 30 doanh nghiệp được công nhận thương hiệu quốc gia năm 2008, đến năm 2020, chương trình vinh danh 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm. Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 đang triển khai xét chọn và dự kiến sẽ công bố những thương hiệu quốc gia năm 2022 vào quý IV.

Theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu được đặt ra là xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với hơn 1.000 sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia vào năm 2030, chương trình kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa giá trị và xếp hạng thương hiệu quốc gia, cũng như vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Tuy ngày càng nhiều doanh nghiệp đánh giá đúng vai trò và nỗ lực xây dựng thương hiệu song trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đồng thời nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, phát triển thương hiệu mang tầm quốc gia luôn là bài toán khó. Bên cạnh đó, nhận thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu của không ít doanh nghiệp còn chưa rõ ràng, nguồn lực để xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, xây dựng thương hiệu là hướng phát triển tất yếu, vì thế, các doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới công nghệ, đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, đồng thời chú trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ và quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài nước.

Đối với các doanh nghiệp đã được công nhận thương hiệu quốc gia, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tận dụng đòn bẩy này để tiếp tục phát triển. Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm cho biết, bên cạnh việc phát triển tại thị trường trong nước, Hapro sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mang thương hiệu Hapro tới nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm, giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm thương hiệu quốc gia nói riêng có vị thế tốt hơn trên “sân chơi” toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Chắp cánh'' cho thương hiệu quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.