(HNM) - Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết quốc tế là nội dung rất đáng chú ý. Thành tựu to lớn về đối ngoại mà đất nước có được xuất phát từ sự tiếp thu tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế để bổ sung, hoàn chỉnh, đổi mới công tác đối ngoại là nhiệm vụ hết sức cần thiết.
Sức mạnh to lớn của đoàn kết quốc tế
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự định đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, Người "sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta". Trong phần cuối Di chúc, Người viết "Về phong trào cộng sản thế giới: Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em". Hai đoạn văn ngắn đủ nói lên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trước tiên đề cao sự chân thành, "có trước, có sau". Đó là một trong những nguyên tắc làm nên phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Theo TS. Doãn Thị Chín, khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế đã trở thành kim chỉ nam hành động, thành cơ sở xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh có phạm vi rất rộng. Đó là đoàn kết với phong trào cộng sản và công nhân thế giới, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, đoàn kết với các nước láng giềng và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến", để thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải hết sức linh hoạt, tỉnh táo, có lý, có tình.
Nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế còn thể hiện trong việc Người đặc biệt coi trọng xây dựng mối quan hệ thân ái, đoàn kết với nhân dân và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trong chính các nước đối phương. Thực hiện tư tưởng đó, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cách mạng nước ta đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn từ ngay trong lòng các nước thực dân, đế quốc. Sự phản đối của nhân dân tiến bộ các nước Pháp, Mỹ đã góp phần quan trọng cho chiến thắng trên mặt trận ngoại giao của ta.
Cùng với tư tưởng ngoại giao có tính khái quát, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại di sản về một phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có tính độc đáo. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người gắn bó với ngành ngoại giao nhiều năm, từng nhận định: "Chuyện ăn, chuyện học ngoại ngữ, chuyện lễ tân… trong ngoại giao, chỉ là những chuyện nhỏ. Còn những chuyện lớn Bác dạy thì vĩ đại lắm. Cái mà chúng tôi học được ở Bác chính là phong cách ngoại giao con người". Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, phong cách ngoại giao con người của Bác là đối xử với khách ngoại giao gần gũi, thân thiết như người thân từ nơi tiếp đón cho đến quà tặng, làm sao để người khách cảm thấy thật thoải mái, không bị lễ nghi gò ép.
Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định rằng: "Sự ứng xử linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại". Có thể nói, di sản về tư tưởng, phong cách ngoại giao của Người là một kho tàng thực sự cần được nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc.
Chắp cánh cho công tác ngoại giao
Thực hiện tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong mỗi giai đoạn khác nhau. Trong đó, tư tưởng của Người về sự chân thành, "có trước, có sau", đoàn kết rộng rãi trong đối ngoại ngày càng được phát triển lên tầm cao mới. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh từng nhấn mạnh, đường lối đối ngoại "Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới" của Đảng đã chắp cánh cho công tác ngoại giao. Hiện nay, nước ta đang có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Chúng ta đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao dân tộc, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Chủ tịch ASEAN năm 2010 và đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Vị thế đất nước trên trường quốc tế không ngừng được củng cố.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng nêu rõ, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đây là một bước đổi mới và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng trên cơ sở tiếp thu tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngành ngoại giao rất xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng là Huân chương Sao Vàng (1995) và Huân chương Hồ Chí Minh (2010).
Giai đoạn phát triển mới của đất nước đã và đang đặt ra cho ngành ngoại giao những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, đa dạng, nhiều chiều, công tác ngoại giao đang đứng trước những thử thách không hề đơn giản. Trong Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 diễn ra cuối năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra yêu cầu về 8 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được Tổng Bí thư nêu rõ là: "Tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện CNH, HĐH và các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời chiến, người lính phải đi đầu trong chiến tranh, bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước.
Đó là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề; đồng thời cũng là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, công chức, viên chức ngành ngoại giao. Trong một bài viết gần đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định, dù nhiệm vụ phía trước có nặng nề, nhiều thử thách, nhưng ngành ngoại giao quyết tâm tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, quyết tâm lập thêm nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, viết tiếp những trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.