Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Canh Dần. Nhưng ngay từ bây giờ, đa số người lao động, dù là công chức nhà nước hay làm việc trong các doanh nghiệp đều đang rất háo hức mong ngóng xem khoản tiền thưởng Tết sẽ ra sao.
"Cày" cả năm, vất vả quần quật, ai chả mong ước bội thu. Mỗi người mỗi tâm trạng khi mà có những nơi tiền thưởng lên tới vài trăm triệu, song cũng có nơi người lao động chỉ dám nghĩ đến vài trăm ngàn đồng. Mức chênh lệch này vốn vẫn là thực trạng từ nhiều năm nay.
Tết này, dự tính trung bình công nhân ở nhiều lĩnh vực được thưởng 1 triệu đồng. Khoản tiền này so với giá cả thị trường đã là không nhiều nhặn gì. Nhưng thế vẫn là còn may, chứ so với công nhân ở trong các ngành may, da giày... mức thưởng hẩm hiu đến mức chỉ được trên dưới 100 nghìn đồng, tức là có khi không đủ tiền mua một chiếc vé xe khách về quê. Đáng buồn hơn, theo thông tin đã được phản ánh trên công luận thì mức thưởng Tết nằm ở đáy vẫn thuộc về ngành giáo dục. Dù nhiều trường đã gói ghém, tiết kiệm tối đa để dành một khoản cho ngày Tết, nhưng cũng chỉ ở mức 100.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng. Còn lương tháng 13 chỉ là... giấc mơ. Cám cảnh hơn khi có trường đành phải làm "kế hoạch ba" bằng những cách không giống ai, chủ yếu là kêu gọi hảo tâm của cựu học sinh và phụ huynh.
"Vui như Tết", câu nói đã quen trong thiên hạ, nhưng vẫn lạ với nhiều người. Lâu nay chúng ta vẫn quen với một quan niệm rằng thưởng Tết nhiều hay ít là do hiệu quả kinh doanh, lao động của đơn vị. Điều ấy có thể đúng với khối doanh nghiệp, song dường như nó có sự bất bình đẳng ngay cả với những người "ăn theo ngân sách", ví như trường hợp của giáo viên. Nhìn vào những con số dễ thấy một khoảng cách quá xa, khi có người hưởng bạc triệu, nhưng có người chỉ lĩnh bạc cắc. Đó là chưa kể do trượt giá mà tiền thưởng Tết năm nay có thể cao hơn nhưng giá trị thì chưa chắc đã bằng năm cũ.
Khoảng cách giàu nghèo là chuyện chưa dễ gì khỏa lấp. Nhưng sự công bằng trong xã hội là điều Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực hướng tới. Mấy năm qua, Nhà nước đã tăng lương vài lần, nhưng vẫn chưa thực sự nâng cao đời sống người lao động. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không trách người có thu nhập cao hay được thưởng cao nếu như đó là quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng. Nhưng những người không được thưởng Tết thì đâu hẳn là do họ làm ăn kém cỏi. Cái chính ở đây là chúng ta cần có một chính sách ổn định dân sinh. Trên phương diện quản lý, Nhà nước cần có chính sách, phương pháp điều tiết hợp lý để bảo đảm đời sống ổn định cho những người lao động nghèo ngay từ đầu năm, mà không phải chờ đến những khoản thưởng Tết hay tháng lương thứ 13. Cũng đã đến lúc tổ chức Công đoàn cần thể hiện vai trò của mình trong việc đại diện cho người lao động, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng quy chế lương thưởng phù hợp, trong đó có các khoản thưởng cuối năm, thưởng Tết.
Thay lời kết, xin nhắc lại lời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào đạo dịp Tết năm ngoái khi ông đã phải lên tiếng kêu gọi xã hội chung sức chăm lo Tết cho các thầy cô giáo, chỉ với mong muốn họ có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét... để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.