Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chàng trai 8X giữ nghề

Quốc Bảo| 05/06/2014 05:45

(HNM) - Nằm ở phía bờ bắc sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15km, xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm) được xem là nơi hiếm hoi còn lưu giữ và phát triển song song hai nghề truyền thống là dát quỳ vàng bạc và nghề may đồ da, giả da.

Gắn bó với nghề, người dân Kiêu Kỵ không chỉ xây dựng cho mình cuộc sống sung túc, ấm no, mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động ở các vùng lân cận. Tự hào với nghề truyền thống của cha ông, nhiều lớp thanh niên của làng đã bám nghề, đưa sản phẩm của quê hương ngày một vươn xa, vươn mạnh. Trong số những người con ưu tú của làng nghề Kiêu Kỵ, không thể không nhắc đến Phạm Quốc Công, Bí thư xã đoàn thế hệ 8X...

Chữ "duyên" với nghề tiên tổ...

Tôi tìm về Kiêu Kỵ trong cái nắng oi nồng của trưa hè một ngày tháng 5. Con đường bê tông thẳng tắp chạy từ đường quốc lộ vào làng nghề nhộn nhịp người, xe qua lại. Dễ đến gần chục năm mới có dịp trở lại. Kiêu Kỵ nay đã thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Những con đường bê tông nối dài, chạy khắp xóm dưới, làng trên. Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát. Cửa hàng, đại lý, dịch vụ đua nhau mở khắp các tuyến đường. Những chuyến ô tô, xe máy chở hàng đến, giao hàng đi khiến cả làng hối hả một bầu không khí tăng gia sản xuất.

Cơ sở sản xuất của Bí thư xã đoàn Kiêu Kỵ Phạm Quốc Công.



Không khó để hỏi thăm cơ sở sản xuất của Bí thư xã đoàn Phạm Quốc Công, nằm ngay mặt con ngõ rộng. Trong gian xưởng rộng thênh thang, khoảng 20 thợ đang cắm cúi làm việc. Tiếng máy công nghiệp chạy rào rào, xen lẫn mùi nồng nồng, ngai ngái của da, của vải. Đã từng gặp Công trong những lần sinh hoạt Đoàn, từng chứng kiến chàng Bí thư đoàn 8X năng nổ khi tham gia các hoạt động xã hội, tôi vẫn bất ngờ trước hình ảnh Công mướt mải mồ hôi bên chiếc máy thêu. "Từ dạo đầu tư thêm giàn máy thêu, em bận như con mọn chị ạ. Đi đâu, làm gì cũng phải lập trình cho xong để công nhân chỉ việc đứng trông máy, rồi mới đi được" - Công cười hiền.

Sinh ra và lớn lên giữa làng nghề truyền thống nhưng ngay từ nhỏ, chàng thanh niên Phạm Quốc Công lại chọn thể thao thành tích cao làm niềm đam mê. Nhiều năm liền luyện tập ở Đội Bóng đá trẻ Hà Nội, mơ ước của Công là được xỏ giày, ra sân thi đấu ở những sân vận động lớn trong tiếng reo hò, cổ vũ của người hâm mộ. Năm 2004, tốt nghiệp THPT, Công được Sở Thể dục Thể thao Hà Nội chọn vào Đội tuyển Điền kinh để thi đấu. Những tháng ngày miệt mài đổ mồ hôi trên sân tập ở Khu thể thao Quần Ngựa, hơn lúc nào hết, Công mới ngấm sự vất vả, gian khó của nghiệp vận động viên thể thao thành tích cao và hiểu rõ khả năng của chính mình. Nhận thấy mình không phù hợp với thể thao, Công lặng lẽ trở về vòng tay gia đình, phụ giúp bố mẹ trong công việc. Ngày đó, gia đình Công đã có một xưởng may đồ da và dát quỳ vàng quy mô nhỏ. Chính thời gian phụ giúp gia đình điều hành sản xuất, "máu" nghề đã thấm vào Công. Nhiều đêm trăn trở với bài toán tương lai, lời khuyên của bậc sinh thành khiến Công như tỉnh ngộ: "Trong khi rất nhiều người phải bỏ công lặn lội cả đời mới tìm cho mình được một nghề phù hợp, quê mình có sẵn nghề truyền thống, tại sao lại không "bám" nghề để tập trung phát triển?". Nghĩ là làm, tố chất của một người con làng nghề khiến Công học hỏi nghề rất nhanh. Chỉ sau hai năm, Công đã chính thức điều hành xưởng may da và phát triển thêm nghề dát quỳ vàng.

Công nhớ lại: "Giai đoạn khởi nghiệp quả là nhiều khó khăn, vốn ít, kinh nghiệm cũng không nhiều, tuổi đời còn quá trẻ nên khi mới tiếp cận với nghề, đã không ít lần em chán nản. Nhưng may mắn vì khi chọn con đường lập nghiệp bằng nghề truyền thống của quê hương nên em nhận được sự trợ giúp rất lớn từ gia đình. Không chỉ hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm, mà chính sự định hướng của bố mẹ đã giúp em có nghị lực và niềm tin để từng bước vượt qua khó khăn, tự khẳng định mình...".

Chọn hướng đi riêng

Chỉ lên bức tranh sơn mài vẽ cảnh sen tàn, Công không giấu được tự hào: "Bức tranh này đẹp một phần nhờ chính vào nguyên liệu quỳ vàng của làng nghề quê em đấy chị". Quỳ là một loại bột chế từ vàng thật, bạc thật. Người ta mua thứ giấy quỳ ở làng Đông Xã, thứ giấy vừa mỏng vừa dai, rồi đem những lá vàng, bạc được dát mỏng, cắt thành những miếng vuông xếp vào giữa tờ giấy. Thợ dát quỳ vàng, bạc sẽ dùng búa nện đều cho đến khi tan thành bột. Để trang trí các nhà thờ như ngai, kiệu, hoành phi, câu đối, làm tranh... người thợ thổi bột vàng lên nền sơn lót, sơn thếp khiến đồ vật bỗng trở nên lung linh, lấp lánh khác thường.

Nghề dát quỳ vàng, bạc nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để có thể chế tác quỳ vàng, bạc người thợ phải trải qua hàng chục công đoạn khác nhau. Từ công đoạn đầu tiên là nung chảy vàng, bạc, đổ cho vàng, bạc chảy đều trên giấy điệp, tiếp đến xếp lá vàng, bạc xen kẽ vào giấy điệp rồi đập cho vàng mỏng đều nhau... đến công đoạn cuối cùng là quét một lớp keo dính lên sản phẩm rồi dán lá vàng lên trên. Qua ngần ấy công đoạn, một người thợ dát quỳ vàng Kiêu Kỵ có thể "kéo" một cây vàng nguyên chất dài đến 7m. Nghề dát quỳ vàng, bạc khó khăn là thế nhưng xưa nay chỉ làm thủ công. Năm 2008, với hy vọng sẽ giảm chi phí nhân công lao động, Công mạnh dạn đầu tư máy móc vào làm dát quỳ, nhưng không thành công. Rút kinh nghiệm, Công xoay sang tìm đến các trại giam để tận dụng nguồn nhân lực bằng cách dạy nghề và ký kết hợp đồng lao động, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho chính những phạm nhân đang cải tạo. Nhiều tháng trời lăn lộn đến các trại giam, nhiệt huyết, lòng yêu nghề truyền thống cùng cái tâm, chàng Bí thư đoàn 8X đã thuyết phục được ban lãnh đạo trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh - Sao Đỏ - Hải Dương). Sau thời gian đưa người đến tận trại giam dạy nghề dát quỳ vàng, bạc cho các nữ phạm nhân, Công mừng rỡ khi các nữ phạm nhân đều tiếp thu rất nhanh từng công đoạn dát quỳ, trong đó có nhiều phạm nhân rất khéo tay. Đến nay, cơ sở kinh doanh của Công đang ký hợp đồng ổn định với trại giam Hoàng Tiến, tạo việc làm thường xuyên cho 33 nữ phạm nhân.

Những năm gần đây, nghề may da và giả da phát triển mạnh, Kiêu Kỵ ngày càng trở nên tấp nập với đơn hàng từ khắp nơi đổ về. Nắm bắt cơ hội đó, Công mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, giàn thêu, thường xuyên sử dụng 20 thợ và hàng chục gia đình nhận làm gia công tại nhà. Đa dạng hóa mẫu mã và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng ngay từ khâu nhập nguyên liệu, đến nay mỗi năm cơ sở may đồ da, giả da của Công đã cho ra đời hàng vạn sản phẩm với hơn 50 mẫu mã các loại, chủ yếu là cặp học sinh, cặp cán bộ, ba lô, túi xách... phục vụ thị trường Hà Nội và khắp các tỉnh miền Bắc.

Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Công vẫn nhiệt tình, năng nổ với các hoạt động đoàn, đặc biệt là công tác từ thiện. Thường xuyên tham gia các đợt quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, trẻ em vùng cao... do Thành đoàn, Huyện đoàn và Câu lạc bộ Nhân Ái phát động, mong muốn của Công là một ngày nào đó được tận tay trao những sản phẩm do chính mình làm ra, dành tặng những trẻ em khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Yêu quê hương và gắn bó với nghề truyền thống là cách mà những người trẻ như chàng Bí thư đoàn 8X Phạm Quốc Công xây dựng quê hương mình và thể hiện lòng biết ơn tiên tổ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai 8X giữ nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.