(HNM) - “Hoa nhài” là bộ phim điện ảnh cuối cùng của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh. Cái tin ấy làm cho không ít người yêu điện ảnh hụt hẫng, dẫu khi hoàn thiện phim này ông đã ở tuổi 84. Vị đạo diễn mãn nguyện khi những lát cắt dung dị về Hà Nội mà ông trải nghiệm hơn 60 năm gắn bó, được đến với khán giả trong sự ấm áp, yêu mến tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Và ông xứng đáng nhận giải thưởng của UBND thành phố Hà Nội với bộ phim có nội dung đóng góp cho sự xây dựng và phát triển thành phố.
Ngân tiếng ca thẳm sâu tâm hồn Hà Nội
Phòng chiếu phim lớn nhất của Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã không còn một chỗ trống, thậm chí nhiều người đã chấp nhận ngồi ở lối đi để thưởng thức bộ phim cuối cùng của “cây đại thụ” điện ảnh cách mạng Việt Nam Đặng Nhật Minh, tại buổi công chiếu mở màn Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI vào tháng 11-2022. Ban tổ chức còn mở thêm một phòng chiếu phim song song với hơn 200 chỗ để đáp ứng nhu cầu của người yêu điện ảnh. “Hoa nhài” là tác phẩm duy nhất của Việt Nam dự thi ở hạng mục phim dài tại sự kiện điện ảnh quốc tế mang tên Hà Nội lần này và cũng là phim được chọn chiếu mở màn.
Cảm hứng từ nếp sống thanh lịch của người Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh viết truyện “Hoa nhài”, rồi chuyển thành kịch bản và làm phim. “Hoa nhài” lấy bối cảnh của Hà Nội những năm 2000, khá xa đời sống rộn rạo hôm nay, nên màu phim được làm trầm nét hoài cổ. Phim là lát cắt sinh động về những mảnh đời gần gũi, quen thuộc trong lòng Thủ đô. Đó là một cậu bé đánh giày sớm phải vào đời kiếm tiền trợ giúp gia đình; là đôi vợ chồng già người làm nghề cắt tóc, người bán trà đá; là ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị; hay chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh…
Những mảnh đời ấy được đưa lên phim như không hề dàn dựng. Người xem vừa gặp họ trước khi đến rạp và lại tiếp tục gặp họ ngay khi rời phòng chiếu bước ra ngoài. Câu chuyện về họ đan quyện vào nhau tạo thành bức tranh đa sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân trước biến động của Thủ đô đang trong quá trình vươn lên. Có những xung đột, mâu thuẫn, rạn nứt song vẫn đầy ắp lòng nhân ái, tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ.
Đạo diễn cũng khéo léo đưa những đặc trưng của Hà Nội vào phim để người xem phải thương nhớ. Đó là một góc Hồ Gươm lao xao gió, một quán cà phê trong lòng phố cổ, một tiệm cắt tóc ở cuối phố, quán trà chén vỉa hè nơi mọi người đọc báo bàn chuyện thời sự, là ngõ nhỏ, trên con phố nhỏ loang loáng nắng…
Bộ phim cho thấy niềm tin sâu đậm của đạo diễn Đặng Nhật Minh vào cốt cách, tinh thần Hà Nội. Đó là sự tử tế, nhân văn giữa người với người, như hương hoa nhài tinh tế, bền bỉ, không bao giờ phai nhạt. Chính vì thế, phim về những năm tháng cũ, nhưng thông điệp về sự hàn gắn vẫn mới nguyên, nhất là với những người Hà Nội vừa bước qua biến cố của đại dịch Covid-19…
Lựa chọn “Hoa nhài” cho vị trí đặc biệt tại kỳ liên hoan phải 4 năm mới trở lại vì ảnh hưởng đại dịch, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI Vi Kiến Thành nhận định: “Được đạo diễn bởi bậc thầy điện ảnh - Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh, bộ phim là những lát cắt về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội…”.
Cảm ơn những người Hà Nội gặp hằng ngày
Sinh ra tại Thừa Thiên Huế, năm 1938, Tết này bước sang tuổi 85, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh có đến hơn 60 năm gắn bó sâu đậm với Hà Nội. Sự nghiệp điện ảnh của ông cũng gắn liền với Thủ đô. Ông đã đưa Hà Nội vào điện ảnh với nhiều góc nhìn, khía cạnh. Có thể kể đến như phim “Hà Nội mùa đông năm 46” về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quân dân Thủ đô những ngày Toàn quốc kháng chiến; phim “Mùa ổi” về những con người giản dị của Hà Nội xưa và nay đan xen; phim “Đừng đốt” về liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội nhiệt huyết, kiên cường trong kháng chiến… Và bây giờ là “Hoa nhài” chứa đựng cả tình yêu của ông với Hà Nội.
Khi “Hoa nhài” ra mắt, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh cười rạng rỡ gặp lại đoàn làm phim của mình; hạnh phúc khi được bạn bè, đồng nghiệp trong, ngoài nước động viên, chúc mừng và không khỏi xúc động khi nhiều khán giả kiên nhẫn đợi đến lượt để được chụp ảnh với ông. “Tôi xin cảm ơn đông đảo anh em làm phim đã giúp đỡ. Tôi cũng xin cảm ơn bạn bè trong nước, ngoài nước và cảm ơn những người thân trong gia đình đã cổ vũ, động viên. Trên hết, tôi cảm ơn Hà Nội và những người Hà Nội tôi thường gặp hằng ngày trên đường phố. Họ đã truyền cho tôi cảm hứng để làm bộ phim này”, đạo diễn gạo cội xúc động chia sẻ.
Dù vị đạo diễn kiệm lời ít chia sẻ về việc mình đã bỏ công bỏ sức như thế nào, gửi gắm điều gì trong bộ phim, nhưng ông lại nói về những người xung quanh, về Khánh An Film - một hãng phim tư nhân ở Thừa Thiên Huế quê hương ông, thấy lâu lâu đạo diễn chưa làm phim nên đã đề nghị ông trở lại. Do không có nhà đầu tư nên ông và hãng phim quyết định hùn vốn cùng thực hiện. Rồi các con ông, bạn bè trong và ngoài nước cũng đóng góp, hỗ trợ… Và Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh bộc lộ, ông hạnh phúc nhất là khi được làm phim cùng những người yêu quý.
Khán giả hẳn ấn tượng với cậu bé đánh giày gày gò, da ngăm đen, nhưng có đôi mắt sáng ngời trong phim. Vai diễn do Nguyễn Minh Đức hiện là học sinh lớp 12A7, Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) thể hiện. Cậu học sinh lần đầu chạm ngõ điện ảnh vẫn nhớ như in ngày được vị đạo diễn gạo cội “chấm” cho vai diễn này 4 năm trước. “Em tình cờ cùng người quen đến thăm ông. Đạo diễn nhìn em và bảo giống với hình dung vai diễn mà ông đang tìm kiếm. Rồi em được chọn vào vai. Hồi hộp lắm, nhưng được ông chỉ dạy cặn kẽ, em dần diễn được. Những ngày làm phim đó cho em nhiều trải nghiệm đáng nhớ”, Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Bộ phim không cần “ngôi sao”, bên cạnh Nguyễn Minh Đức, chỉ có một số gương mặt kỳ cựu của điện ảnh như Nghệ sĩ ưu tú Minh Phương, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Tản, diễn viên Hoàng Huy…, đặc biệt là sự góp mặt của Giáo sư, nghệ sĩ Tôn Thất Triêm cùng dàn hợp ca học sinh khiếm thị mang tên Hy vọng được chính ông dìu dắt. Nhưng phim đủ khiến khán giả ngóng chờ thời điểm chiếu rộng rãi vào đầu năm 2023 này.
Cho dù đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý trong nước cũng như quốc tế, nhưng bởi tâm huyết, say mê điện ảnh, bởi tình yêu Hà Nội luôn tràn đầy, nên Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh vẫn làm phim. Chỉ là bây giờ “sức khỏe không còn tốt nữa, đi chậm và yếu rồi, phải biết lượng sức mình, không tham” như lời ông nói, nên ông dừng lại. Với một người kỹ tính, cầu toàn, sát sao với từng thước phim ở hiện trường như ông, thì quyết định này là điều dễ hiểu.
Thủ đô đang rạo rực chuyển mình tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều nhà làm phim. Nhưng thú thật, những thước phim tinh tế, gần gũi, ấm áp về nơi này, khiến người xem rung lên xúc cảm nhân văn như ông đã làm, vẫn gây thương nhớ lắm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.