(HNM) - Cơn khát nước sạch dai dẳng suốt hơn chục năm qua khiến cho người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất đang phải sống khổ sở vì hằng ngày phải mua nước sinh hoạt với giá đắt
Chuyện thiếu nước sinh hoạt tại xã Chàng Sơn càng "nóng" hơn khi những năm gần dây, có quá nhiều đoàn cán bộ của thành phố, các sở, ngành, doanh nghiệp về kiểm tra, khảo sát…, rồi hứa với dân là sẽ sớm có nước sạch sử dụng, nhưng đợi mãi, đợi mãi vẫn "bặt vô âm tín" khiến nhân dân vô cùng bức xúc.
Dịch vụ bán nước sinh hoạt nở rộ tại Chàng Sơn. |
Tiết kiệm cả... nước bẩn
Theo chân một nữ công an viên xã, chúng tôi rong ruổi trên khắp các thôn, ngõ, xóm của xã Chàng Sơn để tìm hiểu câu chuyện thiếu nước sạch. Vừa đi đến đầu Thôn 1, đã thấy cảnh mua bán nước sinh hoạt đã diễn ra sôi nổi. Người thì chở téc nước vào, người lại chở téc đi ra, người đang ròng dây điện, đường ống nước để bơm lên bể… Thế nhưng khi thấy phóng viên chụp cảnh một hộ dân đang bơm nước ven đường, một người đàn ông lớn tuổi đứng gần đó "nhắc nhở":
- Chụp choẹt cái gì? Các anh, các chị có giúp được dân thoát khỏi cảnh khát không mà suốt ngày quay phim, chụp ảnh?
Người đàn ông dứt lời, vài người đứng gần khu vực đồng thanh lên tiếng không đồng tình với việc quay phim, chụp ảnh. Có người nói như đuổi:
- Đi nhanh không tắc đường. Đi chỗ khác mà chụp, ở đây quá nhiều người chụp ảnh, quay phim rồi, có thay đổi được gì đâu. Nước sinh hoạt bao năm vẫn thiếu!
Nghe những lời chua chát của người dân, chúng tôi lẳng lặng lên đường mà lòng nghẹn đắng. Từ đầu làng đến cuối xóm, các ngõ ngách, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân để thùng phuy, xô, chậu… ra ngõ đựng nước. Vừa đi, vừa nghe ngóng chuyện bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt. Rồi chúng tôi cũng tiếp chuyện được với ông Nguyễn Tất Thắng, ở Thôn 3. Trong câu chuyện giữa trưa hè, ông cho biết: Cách đây 4-5 năm, Chàng Sơn là xã "điểm nóng" về thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân chủ yếu do đất đai ở Chàng Sơn quá chật chội, đường sá bê tông hóa hết nên nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm, nước mặt thì ô nhiễm do làng nghề phát triển. Nhiều hộ đã thuê khoan giếng sâu tới 40m nhưng vẫn không có nước. Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt triền miên (có hộ thiếu nước 10 tháng/năm - PV), ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày, cử tri trong xã đã nhiều lần khẩn thiết đề nghị với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng từ huyện đến thành phố quan tâm xây dựng cho xã một trạm cấp nước sạch cấp cho dân, nhưng càng chờ nước càng chẳng thấy nước đâu.
Theo chia sẻ của ông Thắng, vì thiếu nước sinh hoạt, phải chi tiền triệu để mua nước hằng tháng nên không ít gia đình đã nghèo càng thêm khó khăn; nhiều gia đình vợ chồng mâu thuẫn, va chạm… cũng vì thiếu nước sinh hoạt. Việc tái sử dụng nước nhiều lần; tiết kiệm cả nước bẩn trong sinh hoạt; chuyện mẹ con tắm chung một chậu nước… tưởng chừng như chuyện đùa nhưng đã và đang diễn ra hằng ngày tại Chàng Sơn. Còn bà Phí Thị Đức, Thôn 1, buồn rầu: "Hơn 10 năm nay nhà tôi phải sống chung với cảnh mua nước với giá đắt đỏ. Cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Thiếu thức ăn một vài bữa còn được, thiếu nước một ngày chịu sao nổi". Cùng cảnh ngộ, hộ ông Nguyễn Văn Bình, Thôn 1 cũng phải mua nước sinh hoạt ngót 10 năm nay. Với 5 nhân khẩu, 2 ngày gia đình ông phải mua nước một lần. Với giá nước hiện nay bình quân 80.000 đồng/m3, dù sử dụng rất tiết kiệm, mỗi tháng gia đình ông Bình phải chi ngót triệu đồng mua nước.
Tiếp tục chờ đợi!
Trao đổi với ông Đặng Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, chúng tôi được biết: Xã Chàng Sơn có 7 thôn, 1 điểm công nghiệp làng nghề với 2.700 hộ dân, gần 10.000 nhân khẩu thì có 2/3 số hộ thiếu nước, trong đó trên 50% số hộ thiếu nước quanh năm. Các thôn thiếu nước nhiều nhất phải kể đến là Thôn 1, Thôn 2, Thôn 3, Thôn 6. Những thôn còn lại giếng khơi, giếng khoan còn nước, nhưng lượng nước rất ít, phải bơm nhiều lần/ngày khiến tiền điện sinh hoạt tăng cao.
Do địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nên 5-6 năm trở lại đây, dịch vụ cung cấp nước nở rộ, cả người dân địa phương và một số xã lân cận tham gia cung cấp nước. Mùa hè, nhu cầu mua nước của người dân rất lớn nên hầu hết các hộ phải ký hợp đồng trước mới mua được nước, nếu không rất khó mua. Theo Phó Chủ tịch Hải, giá nước sinh hoạt đang bán tại xã Chàng Sơn dao động từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 tùy vào khoảng cách, ngõ rộng hay hẹp. Như vậy, tính bình quân mỗi hộ (4-5 nhân khẩu) sử dụng 10m3 nước sạch/tháng sẽ phải chi 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể phải chi vài trăm nghìn đồng mua nước tinh khiết đóng bình để ăn, uống. "Phải chi quá nhiều tiền cho việc mua nước sinh hoạt nhưng nước sinh hoạt đang bán tại Chàng Sơn lại không được kiểm định chất lượng. Cũng may, những năm qua trên địa bàn xã không xảy ra vụ ngộ độc, dịch bệnh gì liên quan đến nước sinh hoạt cả" - ông Hải chia sẻ.
Tìm hiểu được biết, trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhiều năm nay, UBND xã Chàng Sơn đã đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư một trạm cấp nước sạch, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Được biết, ngày 7-9-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3958/QĐ-UBND giao cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội) làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp nước sạch từ nguồn nước sạch Sông Đà cho các huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Thông tin trên khiến người dân Chàng Sơn nói riêng và các xã đang gặp khó khăn về nước của huyện Thạch Thất rất mừng, thế nhưng gần 3 năm trôi qua, vẫn chưa thấy nước sạch! Trong khi đó, để dự án được triển khai thuận lợi, năm 2012, 2013, UBND huyện Thạch Thất có công văn gửi Công ty Nước sạch Hà Nội về việc thống nhất phạm vi dự án đầu tư hệ thống cấp nước, thống nhất vị trí tuyến ống DN600 dọc đường 419… Đáng nói, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, ngày 22-7-2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã tổ chức hội nghị liên sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Nước sạch Hà Nội và hai huyện kể trên. Tại hội nghị, Công ty Nước sạch Hà Nội cam kết đến tháng 10-2013 sẽ triển khai thực hiện dự án, song quá thời hạn trên, dự án cấp nước sạch cho huyện Thạch Thất vẫn... nằm trên giấy. Cũng trong năm 2013, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án cấp nước cho hai xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai), Chàng Sơn (Thạch Thất) và hoàn thành dự án vào tháng 4-2014, song một lần nữa lại lỡ hẹn.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu dự án tiếp tục chậm triển khai thì người dân còn phải chờ đến bao giờ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.