(HNM) - Ba tuần nữa nước Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất ở Châu Âu năm 2013...
Áp phích cổ động tranh cử của một số đảng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức. |
Bước vào chặng cuối cùng của "cuộc đua", bầu không khí tranh cử tại Đức như nóng lên từng ngày, khi các chính đảng nỗ lực hết mình nhằm tìm kiếm những biện pháp, hình thức gây ấn tượng nhất để thu hút phiếu bầu từ các cử tri. Trong bối cảnh kinh tế Đức và khu vực chưa thoát khỏi khó khăn, hầu hết các chương trình vận động tranh cử của các đảng đều hướng vào các chính sách tài chính - thuế, năng lượng, lao động - xã hội. So với mức độ phức tạp của tương lai đồng euro thì những vấn đề như: cuộc cách mạng năng lượng hay công bằng xã hội, bao gồm cả lĩnh vực lương tối thiểu và thuế dường như đang được các đảng tập trung khai thác hơn cả. Vì, đây là những vấn đề "cơm áo gạo tiền" hết sức nóng bỏng đang được đông đảo người dân Đức quan tâm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như chưa có đối thủ cạnh tranh nào tương xứng với đương kim Thủ tướng Angela Merkel. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Công ty tư vấn Forsa công bố ngày 21-8 cho thấy, liên minh cầm quyền của nữ Thủ tướng Đức A.Merkel gồm 3 đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Anh em Bavarian (CSU) và Dân chủ tự do (FDP) tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 47%, cao hơn đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập (25%). Trong khi đó đảng Xanh chỉ nhận được 13% và đảng Cánh tả là 8%.
Không khó để dự đoán vị trí dẫn đầu của Thủ tướng A.Merkel hiện nay. Những gì mà nhân vật "miền Đông" này đã làm được cho nước Đức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2005 là quá ấn tượng. Việc tạp chí Forbes 2 năm liên tiếp bầu chọn nhà lãnh đạo này là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của bà đối với nhiều vấn đề trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là vai trò đầu tàu của Đức trong cuộc đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu suốt 3 năm qua. Đôi khi bà A.Merkel bị chỉ trích là quá cứng rắn, là "quán quân" về siết chặt chi tiêu, song phần lớn cử tri vẫn đánh giá cao phong cách lãnh đạo của nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức.
Cái khó với bà A.Merkel hiện nay là làm thế nào để duy trì "bộ ba" trong liên minh cầm quyền, vốn kết hợp rất ăn ý và ổn định trong suốt nhiệm kỳ qua. Nếu kết quả bầu cử không khả dĩ hơn so với thăm dò dư luận, thì CDU, CSU và FDP vẫn chưa hội đủ điều kiện quá bán để thành lập liên minh cầm quyền. Đó là chưa kể tới tỷ lệ ủng hộ FDP đang có xu hướng suy giảm trong thời gian gần đây. Hiện tại FDP chỉ nhận được hậu thuẫn của 5% số cử tri. Nếu trong cuộc "sát hạch" sắp tới, tỷ lệ bỏ phiếu cho FDP tiếp tục sa sút thì đảng này sẽ không được tham gia Quốc hội nhiệm kỳ tới. Điều này sẽ khiến CDU, CSU rất vất vả để tìm kiếm một "đối tác" mới trong số những đảng còn lại như SPD, đảng Xanh... vì những khác biệt cần khỏa lấp.
Thách thức thứ hai với bà A.Merkel là xu hướng khó đoán định của cử tri Đức, từng không ít lần gây khó cho nữ lãnh đạo 59 tuổi. Minh chứng rõ nhất là cuộc bầu cử cuối năm 2009, hầu như các ý kiến đều cho rằng CDU sẽ chiến thắng áp đảo, không ai nghĩ tới việc CDU sẽ phải liên minh để thành lập chính phủ nhưng rốt cuộc đảng này đã không đạt được đa số phiếu cần thiết. Ngay trong cuộc bầu cử địa phương tại bang Hạ Saxony tháng 1 vừa qua, cử tri cũng đã không bỏ phiếu cho liên minh trung - hữu của bà A.Merkel như những gì mà giới chuyên gia và các cuộc thăm dò dư luận dự báo. Kết quả là CDU thất bại trước liên minh của SPD và đảng Xanh với một tỷ số sát sao.
Vì vậy, dù không hoài nghi về khả năng bà A.Merkel sẽ tái đắc cử, nhưng cũng không ai dám loại trừ các yếu tố bất ngờ có thể có ở phía trước, trên đường đua tranh chiếc ghế Thủ tướng của nước Đức nhiệm kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.