(HNM) - Thành phố đã dành nhiều sự quan tâm nâng cấp, cải tạo hệ thống sông hồ để giữ gìn mỹ quan đô thị và thoát nước ở khu vực ngoại thành. Thế nhưng ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên lại xảy ra tình trạng ngược lại...
Thế nhưng ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên lại xảy ra tình trạng ngược lại, hàng nghìn mét vuông mặt nước đầm, kênh mương, ao ngòi đã "biến" thành những mảnh đất vuông vắn, nhà cửa, tường rào mọc lên vững chắc. Mặc dù vi phạm lấn chiếm đất công đã rõ, nhưng việc xử lý chưa quyết liệt, hiệu quả.
Phù phép biến đất công thành đất tư
Tại xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, tình trạng lấn chiếm đất công diễn biến khá phức tạp, gây bức xúc trong người dân. Huyện Phú Xuyên và chính quyền xã Phúc Tiến còn thiếu các biện pháp mạnh trong việc ngăn chặn vi phạm và giải quyết dứt điểm các vụ lấn chiếm đất công. Điều tra của phóng viên, tại các thôn như: Khả Liễu, Cổ Chế, An Khoái, Phúc Lâm, lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý của chính quyền sở tại, hằng ngày vẫn xuất hiện các trường hợp sử dụng phương tiện xe cơ giới chở đất, cát vào lấp kênh mương dẫn nước, ao đầm và xây dựng trái phép. Tại khu vực đầm Bình Đường điểm "nóng" vi phạm lấn chiếm đất công tại xã Phúc Tiến, tình trạng cơi nới san lấp lấn chiếm xảy ra ngang nhiên. Theo người dân địa phương, đầm Bình Đường rộng khoảng 40.000m2. Đây là đầm nằm trong hệ thống dẫn nước ra sông Nhuệ và là nơi điều hòa nước tưới tiêu cho hàng nghìn héc ta cây trồng của huyện Phú Xuyên. Năm 2010, thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, lợi dụng sự buông lỏng quản lý, hàng chục hộ dân sống quanh đầm ồ ạt san lấp, xây kè lấn chiếm, "bức tử" đầm Bình Đường.
Khi đến thực địa tìm hiểu vi phạm tại đầm Bình Đường, nhóm phóng viên Hànộimới đã bị một số đối tượng lăng mạ, phản ứng quyết liệt và thiếu văn hóa. Một đối tượng không rõ tên tuổi sinh sống ở thôn An Khoái, xã Phúc Tiến lên giọng tỏ vẻ thách thức: "... Tôi vi phạm đấy và tiếp tục xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm ở đầm Bình Đường đấy, có giỏi gì thì xử lý đi..."! Trao đổi với Hànộimới, một cán bộ 49 năm tuổi Đảng, người thôn An Khoái cho biết, tương tự như đầm Bình Đường, trên địa bàn của thôn có 4 ao chứa nước, nay có ao đã bị lấn chiếm đến 70% diện tích. Điều trớ trêu là nhiều họ hàng thân thích của một số cán bộ lãnh đạo xã Phúc Tiến cũng thực hiện việc lấn chiếm, dẫn tới lý do người dân "a dua" lấn chiếm, biến đất công thành đất tư.
Mấu chốt là buông lỏng quản lý
Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên Hànộimới đã gặp gỡ Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến Vũ Tùng Cương làm rõ một số nội dung trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Ông Cương cho biết, tình trạng vi phạm lấn chiếm đất công trên địa bàn xã Phúc Tiến xảy ra từ năm 1982. Một số trường hợp lấn chiếm đã được hợp thức hóa theo Nghị định 84. Khi xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất công và diễn biến trở nên phức tạp trong những ngày diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương, xã Phúc Tiến đã thành lập các tổ công tác xử lý vi phạm. Ông Cương cho rằng, do lực lượng thực hiện nhiệm vụ mỏng, người dân vi phạm chủ yếu vào ban đêm, trong khi đó cả một đoàn phương tiện xe cơ giới chuyên nghiệp thực hiện việc san lấp mặt bằng và có sự hậu thuẫn của lực lượng xã hội "đen" đứng ra bảo kê nên không thể ngăn chặn kịp thời các vi phạm. Khi được hỏi, việc tổng hợp mức độ, đối tượng và phân loại xử lý các trường hợp lấn chiếm đất công, ông Cương viện đủ lý do như cán bộ địa chính đi vắng, chưa phân loại được mức độ, đối tượng vi phạm, chưa có kết quả xử lý vi phạm... nên chưa thể cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.
Làm việc với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện được biết, đến thời điểm này cũng chưa nhận được báo cáo tổng hợp tình trạng vi phạm lấn chiếm đất đai tại xã Phúc Tiến. Qua thu thập, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chỉ nắm được 31 trường hợp giao đất trái thẩm quyền từ những năm 1991-1992 và 20 trường hợp vi phạm mới phát sinh. Quan điểm của huyện Phú Xuyên sẽ tiến hành phân loại tiến tới xử lý dứt điểm từng nhóm vụ việc chiếm đoạt đất công tại xã Phúc Tiến. Tuy nhiên, khó khăn đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên là chưa xác định được mức độ, đối tượng vi phạm để tham mưu thực hiện các biện pháp cưỡng chế, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Liên quan đến người thân thích, họ hàng của cán bộ xã Phúc Tiến bị người dân tố lấn chiếm, xây dựng nhà cửa trên đất công, ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Phúc Tiến nhiệm kỳ 2010-2015, các ông Lê Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND; Đào Văn Chinh, Phó Chủ tịch HĐND và ông Vũ Đức Toản, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phúc Tiến đã nhận hình thức kỷ luật về Đảng của Huyện ủy Phú Xuyên. Hiện nay, cơ quan chức năng huyện đang tiếp tục làm rõ, khi có cơ sở kết luận sẽ xử lý nghiêm từng cán bộ mắc sai phạm. Ông Vỹ cũng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Xuyên đã có chỉ thị về xử lý lấn chiếm đất đai tại xã Phúc Tiến, đồng thời giao cho UBND huyện xây dựng phương án tái định cư, đấu giá đất... để từng bước xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất công trên địa bàn xã Phúc Tiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.