(HNM) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 14-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến vấn đề "nóng" của nền kinh tế, được đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm là giải quyết nợ xấu.
Thủ tướng nhận định: Nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Thủ tướng nhấn mạnh: Xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách, nhưng phải được giải quyết đồng bộ, có quy trình phù hợp… Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới. Thủ tướng khẳng định trong quá trình xử lý nợ xấu không thể thiếu vai trò của Nhà nước, nhưng kiên quyết không dùng ngân sách để xử lý nợ cho các tổ chức tín dụng; đồng thời cam kết áp dụng các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đưa nợ xấu về mức khoảng 3-4% vào cuối năm 2015.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình, nợ xấu hiện nay của nước ta là 8,82%, gần gấp đôi so với con số "tự kiểm điểm" của các ngân hàng. Thống đốc thẳng thắn thừa nhận: Nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi các cổ đông và khẳng định là có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng, cũng như tác động của nó tới nợ xấu. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tổ chức báo cáo nợ xấu chỉ 1-2%, nhưng kết quả thanh tra lên đến vài chục phần trăm. Cụ thể, thanh tra toàn diện 27 tổ chức tín dụng cho thấy, ở nhiều nơi, nhóm cổ đông nắm vai trò chi phối tại ngân hàng đều có công ty "sân sau". Dư nợ của bản thân ngân hàng tại các công ty này rất cao, có nơi lên tới 90%. Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, phần lớn dư nợ nêu trên "nằm chết" trong bất động sản... Đây chính là nguyên nhân gây ra thua lỗ, nợ xấu của các ngân hàng.
Để xảy ra tình trạng nợ xấu như hiện nay, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trách nhiệm trước hết là của các tổ chức tín dụng, do vậy, họ phải dùng vốn tự có, vốn điều lệ để đi xóa nợ. Nhiều cổ đông phải chấp nhận bán tài sản để xử lý nợ xấu... Ngoài những nguyên nhân từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đi vay vốn, cơ chế chính sách vĩ mô…
Thống đốc NHNN cũng thừa nhận có nhóm nguyên nhân do bộ phận thanh tra giám sát của NHNN chưa làm hết khả năng. Thống đốc cho biết thêm, các ngân hàng đã xử lý được 12.000 tỷ đồng từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14.000 tỷ đồng. Đến nay, nợ xấu đã chững lại không gia tăng.
Nợ xấu chính là "cục máu đông". Theo nhiều chuyên gia, "cục máu đông" này có nguy cơ làm "hoại tử" nền kinh tế. Do vậy, xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách nhưng cũng vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ đã nhận rõ nguy cơ và đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức, phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...). Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Chính phủ xác định giai đoạn 2011-2015 chủ yếu tập trung mục tiêu lành mạnh hóa nền tài chính, tăng cường năng lực, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, sẽ tiến hành tái cơ cấu đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với tình trạng tài chính riêng; đồng thời tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí quản lý hoạt động của các tổ chức này theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường giám sát, xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống…
Như vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã chẩn đúng bệnh nợ xấu và bước đầu có phác đồ điều trị. Phác đồ ấy cần tổng hợp nhiều bài thuốc phối hợp như giải quyết hàng tồn kho, khơi thông thị trường bất động sản… Thế nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng luôn là "vấn đề khó" trong điều hành. Hy vọng rằng Chính phủ sẽ có cơ chế hợp lý để các cơ quan chức năng đồng tâm hiệp lực đẩy lùi nợ xấu, làm tan chảy "cục máu đông" của nền kinh tế, tránh những nguy cơ khôn lường có thể xảy ra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.