(HNM) - Sau đợt xuất chuồng cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đang tập trung tái đàn. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, người dân phải thực hiện tái đàn một cách có kiểm soát. Đồng thời, cần mua con giống ở những cơ sở có uy tín; không tái đàn ồ ạt và chăn nuôi theo hướng an toàn để hạn chế dịch bệnh.
Các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn
Ông Ngô Việt Tùng, xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trang trại của gia đình đã bán 30 con lợn (tương đương 3,7 tấn thịt lợn hơi) ra thị trường. Cách đây vài ngày, trang trại đã nhập 100 con lợn thương phẩm về tái đàn...
Tương tự gia đình ông Tùng, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cũng bắt đầu nhập con giống mới về nuôi. Ông Nguyễn Văn Đông, ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, nhìn chung năm vừa qua, gia cầm không bị dịch bệnh lớn, giá cả tương đối ổn định, trang trại của gia đình cũng vừa nhập 2.000 con giống mới về nuôi cách đây vài ngày. Còn theo ông Nguyễn Bá Anh, ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì), đợt Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình đã bán 2 con bò thịt, cách đây 2 ngày đã nhập thêm 5 con bò giống về nuôi, nâng tổng đàn lên 20 con, nuôi gối để thời điểm nào cũng có bò xuất chuồng.
Đánh giá về việc tái đàn vật nuôi sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại địa phương, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Anh Phạm Hồng Thái thông tin: Đến hết tháng 1-2020, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tái đàn gần 10.000 con lợn, nâng tổng đàn lợn hiện có lên hơn 51.000 con; đàn gia cầm, thủy cầm là hơn 2,6 triệu con; đàn trâu bò là hơn 10.000 con. Nhìn chung các hộ tái đàn theo đúng quy định, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường và mua con giống bảo đảm chất lượng nên chưa phát sinh trường hợp tái đàn bị dịch bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các hộ dân, trang trại đang thực hiện tái đàn trong điều kiện có kiểm soát. Thời điểm hiện tại, toàn thành phố có hơn 7.600 hộ chăn nuôi lợn (trong đó có 306 công ty, trang trại) thực hiện tái đàn với số lượng 576.000 con lợn, nâng tổng đàn lợn hiện có lên hơn 1,1 triệu con. Với đàn gia cầm, các hộ dân vẫn thực hiện tái đàn liên tục, với tổng đàn 37,5 triệu con; còn đàn bò hiện tại khoảng 134.500 con.
“Ngành Nông nghiệp hướng dẫn các hộ dân tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin lở mồm long móng, tai xanh cho gia súc, cúm cho đàn gia cầm. Nhìn chung đàn vật nuôi đến thời điểm này phát triển ổn định. Dự kiến khoảng 2-3 tháng nữa sẽ cung cấp một lượng lớn nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng” - ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.
Giám sát việc tái đàn theo đúng quy định
Hiện tại, bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, toàn thành phố chỉ còn 6 xã (chiếm 1,34%) có bệnh dịch chưa qua 30 ngày. Tuy nhiên, việc kiểm dịch trong nội thành không được thực hiện do quy định của Luật Thú y và thời điểm này đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật từ nơi này đến nơi khác rất cao nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn rất lớn.
Để bảo đảm an toàn cho việc tái đàn của các hộ chăn nuôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi mua con giống ở những địa chỉ có uy tín được Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất con giống; đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với việc tái đàn lợn, huyện yêu cầu trang trại bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ ít nhất 2 lần/tuần và trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn lợn…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết: Để kiểm soát tình hình tái đàn chăn nuôi sau Tết Nguyên đán, cán bộ thú y của xã đã và đang tiến hành rà soát các đối tượng vật nuôi, đặc biệt là nguồn giống, qua đó để giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý kịp thời các ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.
Việc tái đàn chăn nuôi là cần thiết để bảo đảm nguồn cung cho thị trường Hà Nội sau Tết Nguyên đán, nhưng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không tái đàn ồ ạt mà giữ ở mức độ phù hợp với chuồng trại và quy mô; sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, cần có giải pháp thúc đẩy việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Riêng đối với việc tái đàn lợn, các địa phương chỉ cho phép tái đàn khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện như: Địa phương đã được các ngành chức năng có quyết định công bố hết dịch đối với tất cả các xã, phường, thị trấn; chỉ cho phép tái đàn tại các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi quy mô lớn, có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc nhập lợn vào cơ sở chăn nuôi luôn có sự giám sát của chính quyền cấp xã” - ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
Không tái đàn ồ ạt, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn theo quy định, thúc đẩy chăn nuôi an toàn…, thực hiện đúng các khuyến cáo, giải pháp của ngành Nông nghiệp và các địa phương, chắc chắn việc tái đàn của các hộ chăn nuôi ở Hà Nội sẽ đạt được những kết quả tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.