Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn "mầm ác" trong xã hội

Vũ Duy Thông| 18/03/2015 06:08

(HNM) - Mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông dày đặc tin tức về 7 học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đánh một bạn cùng lớp, khiến em này bị thương, sang chấn tâm lý, phải chuyển trường.

Khác với nhiều trường hợp, thông thường là "đang tiếp tục điều tra tìm nguyên nhân" lần này lập tức xét kỷ luật các học sinh đánh bạn, bố trí nạn nhân đi học trường khác với điều kiện tốt hơn, đình chỉ công tác của hiệu trưởng, hiệu phó. Nghĩa là khá khẩn trương và kiên quyết. Nhưng cho dù vậy, người ta vẫn ngờ ngợ hình như sự sốt sắng đó cũng là để tạm thời dẹp yên dư luận, chứ dù thế chứ thế nữa, Trường Lý Tự Trọng cũng chưa thể giải quyết được một vấn đề từ lâu đã nhức nhối và phổ biến trong xã hội. Nhiều câu hỏi vì thế vẫn chưa có lời giải đáp. Chẳng hạn, tại sao sự việc xảy ra đã hai tháng nhưng chỉ đến khi thông tin được tung lên mạng, nhà trường mới hay biết? Phải chăng nhà trường quá bàng quan? Phải chăng giữa thầy và trò có khoảng cách quá xa, không thông tin nào lọt tới?...

Hàng loạt câu hỏi chưa lời giải đáp đó cộng với sự việc 20 học sinh nam đánh nhau ở trường THCS Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) chỉ xảy ra sau sự việc ở Trà Vinh vài ngày, buộc những người quan tâm phải nghĩ rằng sự kiện bạo lực học đường ở trường Lý Tự Trọng chỉ là một thí dụ, không phải trường hợp cá biệt và việc xử lý như ở Trà Vinh chỉ mới là phần ngọn, chưa phải tận gốc một hiện tượng xã hội nghiêm trọng. Chặn "mầm ác" trong xã hội đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần sự góp sức của toàn xã hội, không thể lơ là.

Trước hết, để tìm lời giải, cần tìm được cái gốc của vấn đề. Đó là vấn đề văn hóa, đạo đức của người Việt Nam lâu nay vì nhiều lý do nên chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta trải qua hàng chục năm chiến tranh, sau đó chuyển sang nền kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường nhất là thời gian đầu khuyến khích lối sống ích kỷ "khôn sống mống chết", tôn sùng sự giàu có, tôn sùng sức mạnh. Trong bối cảnh ấy, văn hóa, nhất là đạo đức không được chú ý sẽ dẫn đến tình trạng như hiện nay. Điều đó có ở hầu hết mọi lĩnh vực, mọi con người. Trẻ em, với lý trí non nớt bị ảnh hưởng xấu từ nhà trường, bè bạn, bố mẹ, người lớn phần nào sẽ tạo cho chúng thói tàn nhẫn, ích kỷ với người khác.

Ngoài ra, thái độ côn đồ trong trẻ còn do các em không được bảo vệ, không có sự can thiệp kịp thời của người lớn nên phải tự xử như một bản năng tự vệ. Chừng nào trẻ em chưa được bảo vệ bằng lẽ công bằng, được phân tích đúng sai thì những hành động tự xử nhất định sẽ cực đoan, thái quá, không được lý trí dẫn dắt.

Mấy năm nay dường như có một thứ "mốt" trong học đường là dạy kỹ năng sống cho trẻ. Chương trình đào tạo này về cơ bản vẫn là thiên về "dạy" lối sống khôn ngoan, chưa chừng còn làm nặng nề hơn chương trình học vốn ta đang tìm cách giảm tải. Từ chương trình học, quan hệ giữa con người với con người ở nhà trường, gia đình, xã hội cần hướng các em vào sự nhân ái, tôn trọng người khác. Đấy mới là cái gốc để ngăn chặn bạo lực học đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặn "mầm ác" trong xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.