(HNM) - Cái khó khi viết về chân dung các nhà báo là phải làm bật lên được từng nét riêng ở mỗi người, chí ít là về lối sống, phong cách và cách viết thể hiện qua từng con chữ, từng trang văn của họ.
Cuốn sách dày 500 trang, bằng kinh nghiệm trải đời, trải nghề, tác giả đã biến mỗi bài viết của mình thành một bức ký họa giản dị, chấm phá khá thành công chân dung từng đồng nghiệp, mỗi người một vẻ, một phong cách, cá tính, không trộn lẫn. Hóa ra, người ta tìm đến với báo chí là từ nhiều hướng khác nhau. Nhưng dù có mỗi người một hướng, sự thành công đều bắt nguồn từ lòng yêu nghề, chí phấn đấu, biết vượt lên chính mình. Tất cả họ đều gặp nhau ở tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, ở sự dấn thân, sinh nghề, tử nghiệp. Lao động của nhà báo là "cày chữ" bằng ngòi bút.
Mấy ai biết Lâm Quốc Trung đã sớm đam mê viết lách và có khả năng hội họa bẩm sinh? Trần Công Mân là người "chỉ huy tác chiến báo chí và viết báo". Hữu Thọ là một trong những cây đại thụ của báo chí đương đại. Hồ Quang Lợi từ viết chính luận, trả lời phỏng vấn đến bút ký thời cuộc đều mang chất nhân văn và trí tuệ. "Nữ tướng" Nguyễn Thị Bạch Vân năng động xây dựng thương hiệu một tờ báo Đảng ở miền Tây Nam Bộ đổi mới, giàu tính chiến đấu. Chuyện về nhà báo "tam nông" Quang Châu, Lê Hữu Quế làm biết bao điều cho nông dân… Tính cập nhật, tính chiến đấu và sự dũng cảm đều hội tụ trong những ngòi bút ấy. Không ít người cùng một lúc có những đóng góp đáng kể trên cả hai lĩnh vực báo chí và văn học, tiêu biểu có Phan Quang, Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Uyển… Trong số họ, ai cũng sắc sảo trên cả hai mặt trận.
Tác giả không định bàn về lý luận báo chí cách mạng nhưng tính lý luận của "Ký giả" không vì thế mà nhẹ cân. Ông cho rằng: Tổng biên tập là một nghề, rồi diễn tả có chủ đích trong các chân dung nhà báo Trần Công Mân, Nguyễn Đình Ước... Một số bài viết ẩn chứa nhiều tình cảm, có sức thuyết phục. Thông qua cuộc đời làm báo của từng ký giả, tác giả cuốn sách gần 500 trang này đã rút ra được nhiều điều tâm huyết về đời và nghề, về lý luận báo chí - truyền thông - tân văn của các nhà báo nước ta. Đây cũng là một phần nội dung khá sâu đậm, không thể lướt qua khi đọc "Ký giả". Không nhiều và càng không rườm lời, đôi chỗ chỉ thoáng qua, song đó lại là những ý kiến đáng chú ý góp phần làm phong phú thêm nhiều vấn đề bổ ích thiết thực mang tính tổng kết đang đặt ra về phương diện lý thuyết cho báo chí cách mạng Việt Nam. Hữu Thọ khẳng định: "Nhà báo mà không có kẻ thù thì không phải là nhà báo chân chính, hoàn hảo", "Một bài báo mà làm vừa lòng mọi người là bài báo hỏng". Rõ ràng là phải cảnh giác với những cây bút vô thưởng, vô phạt, chỉ đơn thuần làm công ăn lương. Trần Công Tấn bút lực dồi dào, vẫn nỗi niềm đau đáu: "Thời gian không chờ đợi ai. Phải cố gắng thì mới kịp "tải" ra những điều đang nghĩ trong đầu". Mai Sông Bé tâm niệm: "Súng còn, đạn còn, quân còn, không được hạ vũ khí". Mai Đức Lộc đã có lý khi nhấn mạnh: "Thông tin nhanh nhạy nhưng phải chính xác, đúng bản chất sự kiện, định hướng đúng dư luận". Võ Như Lanh không vô tình chút nào khi tạo được góc nhìn về "văn hóa từ chức", cũ người, mới ta. Vẫn là chuyện muôn năm cũ, "biết rồi khổ lắm, nói mãi" nhưng sự nhắc lại lúc nào cũng là cần thiết.
Trong "Ký giả", Phạm Quốc Toàn chỉ chọn giới thiệu 40 bài viết, nhưng góp mặt gần 50 chân dung nhà báo - gương mặt phóng viên, các nhà quản lý báo chí các cấp trong số hơn 17.000 nhà báo "có thẻ" hiện diện trên khắp cả nước, cả người đã khuất, người đang nghỉ hưu, người đương tại vị làm nghề; không kể khá nhiều phóng viên mặc áo lính. Điều đó do những ngẫu hứng về các mối quan hệ trong công việc, về chỗ đứng của người viết quy định, ở đây hoàn toàn không có sự thiên vị cá nhân.
Tập sách "Ký giả" in xong, nhà báo Hữu Thọ đã kịp đọc - trước lúc ông về cõi vĩnh hằng, với lời nhận xét: "Một tác phẩm đọc rất thú vị, bổ ích, có sức lôi cuốn trên mỗi trang viết, rất đáng khích lệ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.