(HNM) - Trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 22-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, việc kê thêm 20.000 giường bệnh và luân chuyển cán bộ từ tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới đã làm giảm 30% số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên không hợp lý nên số bệnh nhân phải nằm ghép giường chỉ còn 6.000 người, bằng 1/3 con số hai năm trước.
Quá tải ở bệnh viện tuyến trên là vấn đề tồn tại nhiều năm, nội dung trả lời của người đứng đầu ngành y tế đã giúp cử tri cả nước có cái nhìn toàn cảnh hơn về những nỗ lực của ngành, nhưng nó vẫn sẽ còn "nóng". Có lẽ vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu không thể hứa bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng quá tải.
Ốm nhiều hơn hay năng lực hệ thống kém?
Những lý do Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đưa ra để lý giải cho tình trạng quá tải không mới như tỷ lệ giường bệnh/vạn dân thấp so với sự gia tăng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của nhân dân với 19,6 giường/vạn dân, đạt mức trung bình thấp trong khu vực, lại phân bố không đồng đều; mô hình bệnh tật thay đổi với 62,5% bệnh nhân mắc các bệnh đòi hỏi chi phí điều trị cao, quá trình điều trị kéo dài. Chính sách ưu việt về chăm sóc sức khỏe nhân dân với hơn 30 triệu thẻ KCB miễn phí được cấp cho người bệnh nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách cũng làm tăng nhu cầu KCB. Một lý do cũng không mới nhưng được người đứng đầu ngành y tế lý giải khá thú vị: người dân Hà Tây "ốm" nhiều hơn người dân Bắc Kạn vì ở đấy giao thông tốt hơn, đời sống kinh tế cao hơn nên họ dễ dàng tiếp cận với các cơ sở KCB. Có thể thấy một logic đơn giản là khi đã đủ ăn, đủ mặc người ta sẽ quan tâm nhiều hơn tới chăm sóc sức khỏe, chưa kể những yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội ô nhiễm cũng làm người ta dễ ốm hơn.
Do quá tải ở một số bệnh viện, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép giường, nằm ngoài hành lang trong thời gian điều trị. Ảnh: Lê Tuấn |
Mặc dù đưa ra nhiều nguyên nhân khách quan nhưng Bộ Y tế cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan: năng lực cung cấp dịch vụ KCB ở tuyến cơ sở hạn chế, người dân thiếu tin tưởng nên có những bệnh có thể điều trị hiệu quả ở tuyến xã, huyện, tỉnh nhưng người bệnh vẫn muốn đến tuyến trung ương. Ví dụ, 57% trường hợp sinh con ở Bệnh viện Phụ sản trung ương là đẻ thường, sản phụ có thể "mẹ tròn con vuông" ở nhà hộ sinh hay trạm y tế xã nhưng vẫn đến bệnh viên để đề phòng trường hợp tai biến.
"Cầu" tăng trong khi khả năng "cung" chưa tăng kịp đã khiến hình ảnh 2 đến 3 bệnh nhân phải nằm "giở đầu đuôi" tuy đã ít đi nhưng vẫn khá phổ biến, nhất là bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành, các bệnh viện chuyên khoa.
"Biệt dược" mang tên 47 và 930?
Những giải pháp như giảm ngày điều trị trung bình một cách hợp lý bằng nâng cao chất lượng điều trị; giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh; mở rộng loại hình điều trị ngoại trú, triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong KCB; cải cách thủ tục hành chính; làm tăng giờ, tăng ca; luân phiên luân chuyển cán bộ từ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới; phát triển mô hình bệnh viện "vệ tinh"... đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên nhưng "biệt dược" để điều trị căn bệnh này được ngành xác định là triển khai 2 đề án 47 và 930.
Đề án 47 "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010" nay đã gần hết thời hạn nhưng mới nhận được 65% số vốn. Đề án 930 "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013" cũng mới chỉ nhận được 15% vốn. Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã giải thích lý do chậm vốn cho hai đề án này và đưa ra mốc thời gian mới cho lộ trình triển khai là năm 2015. Có nghĩa là, người dân sẽ còn phải tiếp tục chờ đợi để quyết định có hay không giao phó sức khỏe và tính mạng của mình cho tuyến y tế cơ sở.
Tuy nhiên, hai đề án 47 và 930 sẽ không phát huy được tác dụng nếu lực lượng cán bộ ngành y không tăng về số lượng cũng như chất lượng. Cùng với việc tăng quy mô tuyển sinh các trường đào tạo bác sĩ, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ có cơ chế chính sách để giữ chân cán bộ, nhất là ở tuyến y tế cơ sở; đồng thời tăng tuổi lao động của cán bộ y tế. Xem ra, "đơn thuốc" đã đủ, song hiệu quả "điều trị" ra sao, bệnh nhân lại phải chờ, như lời Bộ trưởng: Có thể là 2,3,4 năm nhưng cũng có thể là 10 năm tới. Ông chưa bao giờ hứa, con số ấy cụ thể là bao nhiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.