Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm, vướng vì cơ chế chưa thông

Lan Hương| 17/11/2010 14:14

(HNMO) – Sáng 17/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của TP Hà Nội đánh giá về kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP trong 10 tháng đầu năm, tìm hướng giải quyết các khó khăn vướng mắc và dự kiến kế hoạch đấu giá năm 2011.

(HNMO) – Sáng 17/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của TP Hà Nội đánh giá về kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP trong 10 tháng đầu năm, tìm hướng giải quyết các khó khăn vướng mắc và dự kiến kế hoạch đấu giá năm 2011.

Tập trung đấu giá đất vào cuối năm mới có thể hoàn thành kế hoạch

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 12/11/2010 đã có 18 đơn vị tổ chức đấu giá 11,7 ha đất, thu được 2.519,44 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch thu ngân sách. Các khu đất đấu giá tập trung tại 8 dự án thu được 1.176,16 tỷ đồng và các khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ tại 13 quận, huyện thu được 1.310,43 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị còn đấu giá được 4 nhà chuyên dùng, thu được 32,85 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, các đơn vị đã tích cực tổ chức đấu giá đất có Long Biên, Thanh Trì, Hà Đông và Đông Anh. Các đơn vị hiện chưa tổ chức đấu giá là Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Gia Lâm, Từ Liêm, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, trong năm 2010, các đơn vị phải tiếp tục tổ chức đấu giá để thu 80 tỷ đồng nữa mới hoàn thành kế hoạch năm.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có các dự án được giao đất trước ngày 1/7/2010 đã đủ điều kiện để tổ chức đấu giá vào dịp cuối năm nay là: Khu đấu giá thôn Thờn Bơn – phường Biên Giang, khu đấu giá Ngô Thì Nhậm và khu Đồng Dung, dự kiến đấu giá vào tháng 12/2010, thu 70 tỷ đồng. Quận Cầu Giấy cũng dự kiến tổ chức đấu giá đất ở Khu đô thị mới Dịch Vọng vào tháng 12/2010. Bên cạnh đó, tại khu đấu giá xã Trâu Quỳ, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức đấu giá một phần diện tích đất vào cuối năm 2009, dự kiến tổ chức đấu giá 2 ha đất trong quý 4/2010.

Ngoài ra, Hà Nội cũng có những dự án đã được giao đất trước ngày 1/7/2010, nhưng chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu giá, gồm 6 khu đất đã GPMB, xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa ban hành quy chế đấu giá; 7 khu đất đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 8 khu đất đang thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư; 35 khu đất trên địa bàn 9 quận, huyện với diện tích 123.963m2 xen kẹt nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa tổ chức đấu giá.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay một sốdự án đã được giao đất đấu giá vẫn chưa đảm bảo tiến độ về công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các hồ sơ xin sử dụng đất đấu giá, thời gian lập hồ sơ còn kéo dài, nhất là các huyện thuộc tỉnh Hà tây (cũ) do không có quy hoạch chi tiết và phải chờ thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ; việc bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại một số dự án chưa đảm bảo tiến độ (ở 583 Nguyễn Văn Cừ, khu đất đấu giá xã Phù Linh); việc thu tiền trúng đấu giá tại một số dự án chưa dứt điểm, còn kéo dài (khu sài Đồng, khu đấu giá xã Trâu Quỳ…).

Loay hoay vì chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 17 về bán đấu giá tài sản

Vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện tiếp các dự án đấu giá đất trên địa bàn Hà Nội hiện nay là đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4/3/2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 về bán đấu giá tài sản. Theo Nghị định này, các quy định về Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục đấu giá tại Điều 7,8,9,10,11 và Điều 12 Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 về việc ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất bị bãi bỏ.

Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn Nghị định 17, Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị UBND TP làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thống nhất với Văn phòng chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đó là đối với trường hợp tài sản Nhà nước là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được phép bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phương án xử lý, sắp xếp lại theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc bán tài sản nhà đất theo quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17. Bên cạnh đó, đối với trường hợp quỹ đất đấu giá do tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập hoặc do UBND các quận, huyện tạo lập, đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất cấp thành phố do Giám dốc Sở tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp là thành viên Hội đồng và mời đấu giá viên của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp) hoặc của các doanh nghiệp đấu giá tham gia Hội đồng. Đối với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất đã phân cấp cho cấp huyện, thì Thường trực Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện…

Tháo gỡ với 5 giải pháp

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các quận, huyện và Sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh có kết luận về 5 vấn đề chính. Thứ nhất, về cơ chế, chính sách, trong khi Thông tư hướng dẫn Nghị định 17 chưa được ban hành, ý kiến của các Bộ, ngành còn chưa thống nhất; để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, TP sẽ chuẩn bị tài liệu để làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ ngay vào đầu tuần tới. TP sẽ dự kiến đề xuất 2 phương án. Một là, Hà Nội sẽ xin cơ chế trực tiếp, thực hiện nốt các dự án đấu giá theo cơ chế cũ đến hết 31/12/2010 (trong khi hiệu lực của Nghị định là 1/7/2010). Hai là, Hà Nội đề xuất được chuyển tiếp dự án; các quận, huyện vẫn có Hội đồng đấu giá, mời thêm các tổ chức đấu giá tham dự; thời gian từ lúc xây dựng quy chế đến lúc đấu giá, thực hiện công khai minh bạch; đến thời điểm đấu giá, Hội đồng sẽ chủ trì; kể cả khu đấu giá chuyên trách, các quận, huyện vẫn cơ quan chuẩn bị cho việc đấu giá.

Phó Chủ tịch cũng chỉ đạo các quận, huyện, với những dự án mới sau ngày 1/7/2010 sẽ áp dụng theo Nghị định 17, còn với những dự án đã phê chuẩn rồi, thực hiện cơ chế đấu giá như cũ. Với những trường hợp bỏ đấu giá, không nộp tiền, thực hiện theo quy định của Hội đồng cũ, cho đấu lại; khuyết thành viên Hội đồng nào, bổ sung thành viên thay thế.

Thứ hai, về vấn đề tiến độ đấu giá, Phó Chủ tịch yêu cầu các quận, huyện thực hiện quyết liệt, không chỉ là đảm bảo tiền thu về cho ngân sách mà còn là nếu không chuẩn bị cho các dự án từ năm nay, sang năm 2011 sẽ bị vỡ kế hoạch (vì các dự án đấu giá cần trình để Hội đồng nhân dân thông qua, thành phố bố trí vốn GPMB, đầu tư hạ tầng…).

Thứ ba, về vấn đề hạ tầng, có 2 loại, một là hạ tầng ở các khu đô thị mới, để đấu giá phải hoàn thiện đồng bộ. Tuy nhiên, về hạ tầng ở các khu đất xen kẹt, bố trí phù hợp với điều kiện chung của khu đó. Với các khu vực ao, hồ, Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ diện tích này, phân cấp cho các quận, huyện quản lý. Tinh thần chung của Thành ủy chỉ đạo là giữ cho Thủ đô có đặc trưng sông, hồ (thành phố trong sông); có chỗ ao, hồ ô nhiễm, không cần giữ có thể lấp, nhưng có chỗ phải đào thêm hồ để tạo cảnh quan và là nơi tiêu thoát nước mưa.

Với kiến nghị của một số quận, huyện, khi đấu giá đất (nhất là đất xen kẹt) đang bị mắc vì không có chỉ giới đường đỏ, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc có hướng dẫn, phân cấp cho các quận, huyện xử lý. Bên cạnh đó, các quận, huyện phải rà soát lại các dự án nợ hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến người dân không nộp tiền đấu giá đất; lập danh sách, trình lãnh đạo UBND TP ký, trước tiên là nhắc nhở, sau đó nêu chây ỳ sẽ thay đơn vị thực hiện.

Thứ tư, về vấn đề tài chính, nhiều quận huyện đề xuất đẩy nhanh tiến độ người nộp tiền đất đấu giá từ 3 tháng thành 1 tháng (để hạn chế những kẻ đầu cơ, lũng đoạn), Phó Chủ tịch đồng ý thực hiện và công bố rõ cho nhân dân biết. Riêng về đề xuất tăng tiền đặt cọc đấu giá đất, Phó Chủ tịch cho rằng chưa cần thiết.

Thứ năm, về vấn đề quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch cho rằng nếu TP, các quận, huyện buông lỏng sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thông thầu, phải xử lý hình sự. Theo đó, Phó Chủ tịch nêu ra kinh nghiệm với những dự án đấu giá có nghi vấn, các quận, huyện nên mời cơ quan Công an, Thanh tra vào cuộc ngay từ đầu để ngăn chặn không cho các tình huống xấu xảy ra.

Có thể thấy, công tác đấu giá quyền sử dụng đất của Hà Nội hiện còn nhiều khó khăn, bất cập, nhưng thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm, vướng vì cơ chế chưa thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.