Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm vì thiếu thông tin

Đào Huyền| 30/03/2012 07:48

(HNM) - Hà Nội là một trong 20 tỉnh, thành phố thực hiện quyết định về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013. Thời gian thực hiện quyết định bắt đầu từ ngày 1-7-2011. Song, ngày 1-4 tới, Hà Nội mới bắt đầu triển khai BHNN đối với bò sữa tại Ba Vì


Hà Nội hiện là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn trong cả nước với trên 18 triệu con gia cầm; gần 1,6 triệu con lợn và 200.000 con trâu, bò. Do chăn nuôi phát triển nhỏ lẻ, dịch bệnh liên tục xảy ra gây thiệt hại cho nông dân, vì vậy, việc triển khai BHNN là giải pháp quan trọng giúp nông dân yên tâm sản xuất. Theo kế hoạch, Hà Nội triển khai BHNN tại hai huyện Ba Vì và Chương Mỹ. Trong đó, huyện Ba Vì thực hiện bảo hiểm trên đàn bò sữa (quy mô từ 1 con trở lên) trên phạm vi toàn huyện; huyện Chương Mỹ thực hiện trên đàn lợn tại 3 xã với quy mô: lợn nái, lợn đực giống từ 1 con/hộ trở lên; lợn thịt từ 2 con/hộ trở lên.


Chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì.

Tại hội nghị triển khai BHNN của Ban chỉ đạo TP đối với bò sữa tại Ba Vì mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, phí đóng bảo hiểm theo quy định còn cao. Theo quyết định, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo và hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm được hỗ trợ 20% phí. Tuy theo tính toán công ty bảo hiểm, mức phí bảo hiểm được áp dụng cho bò là 4% giá trị vật nuôi. Như vậy, nếu một con bò sữa có giá 30 triệu đồng, mức phí phải đóng với hộ cận nghèo là 240.000 đồng/con/năm, hộ bình thường là 480.000 đồng/con/năm. Trong khi trung bình mỗi hộ có ít nhất là 3 con, có hộ từ 5 đến 7 con trở lên nên khoản tiền phí phải nộp không nhỏ. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, dù chăn nuôi bò sữa đang là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập cao, song với mức phí như vậy, nông dân sẽ ngại tham gia. Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng cho rằng, Chương Mỹ có hơn 15 trang trại lợn quy mô 500-2.000 con/lứa; theo mức phí nông dân sẽ phải đóng 120 nghìn đồng/con lợn nên khó có điều kiện đóng phí. Còn theo ông Phan Sỹ Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP, hầu hết người dân chưa nắm hết kỹ thuật nên dịch bệnh nhiều, có năm chết hàng trăm con bò sữa. Không những thế, giá bò sữa giống ngày càng cao (từ 30-35 triệu đồng, có giống bò lên tới 55 triệu đồng/con), sắp tới, IDP còn dự định đưa ra thị trường giống bò chất lượng cao giá trên 100 triệu đồng/con. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ gặp tổn thất lớn khi có rủi ro. Trong khi theo quy định BHNN, khi có rủi ro xảy ra, người chăn nuôi chỉ được đền bù thiệt hại 18 triệu đồng/con, tối đa 35 triệu đồng/con, tùy theo giá trị bò.

Triển khai chậm

Theo quy định, các loại thiên tai, dịch bệnh gây hại đối với chăn nuôi được bảo hiểm gồm bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá; bệnh lở mồm long móng (đối với trâu, bò); bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng (đối với lợn). Ông Hoàng Thanh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, Ba Vì cho rằng, cần bổ sung thêm một vài dịch bệnh trên bò sữa như dạ dày, đầy hơi bởi tỷ lệ chết vì các bệnh đặc thù này ở bò sữa còn rất lớn.

Giải đáp những băn khoăn của nhiều đại biểu về một số chính sách hỗ trợ khác cho nông dân trước đây như hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... nay có được thực hiện, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nông dân sẽ được hưởng đồng thời cả hai chính sách hỗ trợ BHNN và phòng, chống dịch bệnh khi gặp rủi ro, tuy nhiên mức hỗ trợ sẽ không quá 100% để tránh tình trạng nông dân cố tình để xảy ra dịch bệnh nhằm hưởng hỗ trợ. Trước kiến nghị về những bất cập trong quy định về điều kiện để vật nuôi được trả bảo hiểm là địa phương phải công bố dịch bệnh, ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng ban BHNN, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tại buổi họp Ban chỉ đạo BHNN Trung ương mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị trong thời gian thí điểm có thể điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân, không nhất thiết phải công bố dịch bệnh mà chỉ cần có xác nhận của chính quyền cấp xã, huyện, vật nuôi vẫn được bảo hiểm.

BHNN là vấn đề mới, không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ liên quan ở các cấp cũng chưa hiểu một cách thấu đáo. Do vậy, cần cung cấp thông tin đầy đủ với nhiều hình thức tới các cấp và nhân dân. Ban chỉ đạo BHNN Trung ương cho rằng, Hà Nội là địa phương triển khai BHNN còn chậm, tuy nhiên với bước khởi đầu như hiện nay, hy vọng đây sẽ là "chậm chắc" như lời Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm vì thiếu thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.