(HNM) - Liên đoàn Boxing Việt Nam là liên đoàn thể thao mới nhất được Tổng cục Thể dục thể thao chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Dù Tổng cục Thể dục thể thao rất muốn đẩy nhanh tiến độ chuyển giao nhưng nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia vẫn chưa “đủ lông, đủ cánh”
Giải Bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) tổ chức khiến nhiều người biết đến môn thể thao này hơn. |
Xu hướng tất yếu
Việc cơ quan quản lý nhà nước về thể thao chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu quốc gia cho liên đoàn, hiệp hội thể thao là xu hướng tất yếu. Minh chứng là Luật Thể dục thể thao - có hiệu lực từ năm 2007 - quy định rõ 11 nhiệm vụ của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, trong đó có việc “tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền”.
Đó là căn cứ quan trọng để Tổng cục Thể dục thể thao thúc đẩy việc chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu thể thao quốc gia cho các liên đoàn, hiệp hội. Trước đó, ngoài bóng đá, đa số giải đấu thể thao quốc gia đều do đơn vị quản lý thể thao cấp trung ương và địa phương đăng cai phối hợp tổ chức. Nguồn kinh phí dựa vào ngân sách vốn có hạn nên không thể tạo ra đột phá trong khâu tổ chức, nâng cao thương hiệu của giải đấu, tăng mức giải thưởng để tạo thêm động lực cho vận động viên.
Hiệu ứng tích cực từ việc trao quyền tổ chức các giải đấu cho liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia là rõ ràng, đáng kể nhất là cơ cấu và mức giải thưởng, cách thức tổ chức, công tác truyền thông, tài trợ cho giải đấu… được cải thiện đáng kể so với trước. Điển hình như môn bóng rổ được nhiều người biết tới hơn sau khi Giải Bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) được Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tổ chức kể từ năm 2016. Liên đoàn Boxing Việt Nam cũng chứng tỏ khả năng tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia khi được Tổng cục Thể dục thể thao trao quyền. Giải đấu đầu tiên do Liên đoàn Boxing Việt Nam tổ chức là Giải Boxing vô địch quốc gia năm 2017, dù còn một số trận đấu có kết quả không phản ánh đúng cục diện nhưng “sai số” đã giảm hẳn so với các giải đấu trước đó.
Ý thức rõ về vai trò, khả năng của các liên đoàn, hiệp hội thể thao nhưng vì nhiều nguyên nhân, cho đến lúc này, sau 10 năm thực hiện Luật Thể dục thể thao, số đơn vị có thể đảm nhận tốt việc tổ chức các giải đấu quốc gia vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là Liên đoàn Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Bóng rổ, Cầu lông, Hiệp hội Golf Việt Nam, và gần đây nhất là Liên đoàn Boxing Việt Nam. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng, đó là những liên đoàn, hiệp hội có nguồn kinh phí huy động bảo đảm cho việc tổ chức tốt các giải đấu. Với những đơn vị không bảo đảm được điều này, Tổng cục Thể dục thể thao dù muốn cũng không dám trao quyền tổ chức các giải đấu thể thao quốc gia.
Cần tìm giải pháp khắc phục
Thực tế, số liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có thể cáng đáng 100% công việc tổ chức các giải đấu quan trọng vẫn còn quá ít so với gần 20 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia hiện có. Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia của một số môn thể thao quan trọng, được người hâm mộ Việt Nam quan tâm như điền kinh, bơi, bắn súng, cờ, bóng bàn, đua thuyền hiện chỉ có thể tham gia một phần vào công tác tổ chức các giải đấu quốc gia. Nguyên nhân cơ bản vẫn là tiềm lực tài chính có hạn, khả năng quản lý, huy động nguồn lực con người trong các liên đoàn, hiệp hội vẫn chưa được như mong đợi.
Đó là chưa kể một hạn chế khác: Nhiều môn thể thao thế mạnh của Việt Nam như wushu, vật, karatedo, bắn cung… hiện chưa có liên đoàn, hiệp hội. Bởi vậy, với những giải đấu liên quan tới những bộ môn này, Tổng cục Thể dục thể thao dù muốn cũng không thể gửi gắm khâu tổ chức giải cho ai ngoài việc tự mình đứng ra phối hợp với địa phương đăng cai để lo liệu.
Hiện nay, khi xu hướng trao quyền nhiều hơn cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao đã rõ tính đúng đắn, cơ quan quản lý nhà nước mong các tổ chức này ngày càng lớn mạnh, có khả năng thu hút nguồn lực xã hội để trao giải thưởng ở mức xứng đáng hoặc hỗ trợ các vận động viên đội tuyển quốc gia. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho rằng, việc các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đủ tiềm lực để tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia sẽ giúp giảm gánh nặng cho Tổng cục Thể dục thể thao. Khi đó, cán bộ, chuyên viên của Tổng cục sẽ chuyên tâm vào nhiệm vụ quản lý, điều hành ở cấp vĩ mô. Hiệu quả quản lý đương nhiên sẽ tốt hơn so với khi phải kiêm nhiệm, tất tả ngược xuôi với đủ loại việc.
Biết là vậy, nhưng rõ ràng khi các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia còn chưa ra đời hoặc chưa đủ mạnh cả về nguồn tài chính và con người thì quá trình, tiến độ chuyển giao công tác tổ chức các giải đấu quốc gia chưa thể sớm kết thúc. Đó là hạn chế mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải tìm ra giải pháp khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.