Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạm vào văn hóa Iran qua những ngôi làng cổ

Minh Châu| 03/10/2019 12:59

(HNMCT) - Nằm ở Tây Á, đất nước Iran có một lịch sử lâu đời, gắn với nền văn hóa Ba Tư nổi tiếng từ xa xưa. Tại Iran hiện nay vẫn còn những ngôi làng có tuổi đời xấp xỉ nghìn năm tuổi, được coi là lối vào nền văn hóa của đất nước này.

Ngôi làng Masouleh nằm trên dãy Alborz, ở độ cao khoảng 1.050m so với mực nước biển, được cho là “con đường tơ lụa” của vùng Gilan thuở xưa.

Những ngôi làng độc nhất vô nhị

Nằm cheo leo giữa sườn núi ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển ở dẫy núi núi Alborz, gần bờ biển phía Nam của biển Caspian, Masouleh là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng bậc nhất của Iran. Được xây dựng cách đây khoảng một nghìn năm, làng Masouleh mang lối kiến trúc đặc trưng, thể hiện sự thích ứng đặc biệt của người Iran xưa với điều kiện tự nhiên ở đây. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè quá nóng trong khi mùa đông quá lạnh giá, những người Iran bản địa xưa kia thường dựa vào các sườn núi để lập làng, lợi dụng luôn vách núi làm nơi chắn nắng, gió. Để thích ứng với địa hình dốc lớn, người dân Masouleh đã xây nhà theo lối bậc thang với phần mái nhà của nhà dưới là sân và đường đi của dãy nhà phía trên.

Lối kiến trúc này vừa giúp tiết kiệm được không gian, vừa có thể chống được tình trạng sạt lở đất, cũng như tạo ra sự bền vững đã được chứng minh qua hàng thế kỷ của những ngôi nhà ở đây, dù vật liệu làm ra chúng chỉ là đất sét, đá và gỗ. Làng Masouleh được du khách đặc biệt ưa thích bởi nó tọa lạc giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, cây cối xanh tươi, mùa hè rất mát mẻ, dễ chịu, mùa đông không quá lạnh. Mỗi ngôi nhà ở đây đều sở hữu khung cửa lớn với những ô cửa sổ nhiều màu sắc và được trồng hoa rất xinh xắn. Kiến trúc độc đáo này cũng có thể tìm thấy ở một số ngôi làng cổ khác của Iran, tiêu biểu như làng Palanga ở tỉnh Kurdistan.

Lâu đời nhất ở Iran có lẽ phải kể tới làng cổ Abyaneh. Ngôi làng này trên sườn núi Karkas thuộc tỉnh Isfahan, cách thủ đô Tehran khoảng 300km, được hình thành cách đây 2.500 năm, ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Do được xây bằng gạch bùn và đất sét chứa nhiều ô-xít sắt nên cả ngôi làng đều mang một màu đỏ đặc trưng, vì vậy người ta còn gọi đây là làng Đỏ. Dù thời gian đã trôi qua với bao biến động về chính trị ở Iran nhưng những gì còn lại ở Abyaneh dường như vẫn thuộc về hàng trăm năm trước, đơn sơ hòa mình vào tự nhiên.

Tuy nhiên, độc đáo nhất phải kể đến ngôi làng Kandovan nằm cách thành phố Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan của Iran khoảng 60km. Người dân xưa kia đã tận dụng luôn những khối núi đá lửa để đục khoét làm nhà ở cho mình. Chính vì vậy, nhìn từ xa, Kandovan không khác gì một tổ mối khổng lồ với những ngôi nhà có chóp nhọn là đá xù xì tự nhiên, nằm rải rác nhấp nhô trên một diện rộng. Những ngôi nhà ở đây thường có từ 2 đến 4 tầng, tầng nào cũng có cửa sổ với kính trang trí. Tầng trệt dành cho động vật, các tầng tiếp theo làm không gian sinh sống, còn tầng trên cùng có thể làm nơi thờ cúng hay nhà kho. Tính đến nay, ngôi làng đã tồn tại được khoảng 800 năm và là nơi sinh sống của 670 người.

Lịch sử và hiện tại

Các ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo được trang trí bằng những sản phẩm thủ công có họa tiết thổ cẩm bắt mắt.

Sự tồn tại của những ngôi làng cổ có tuổi đời cả nghìn năm này là “cánh cửa” kỳ diệu để du khách hôm nay có thể tiếp cận văn hóa, lịch sử lâu đời của Iran. Làng Masouleh được thành lập khoảng năm 1006 sau Công nguyên, từng nằm trên “con đường tơ lụa” của vùng Gilan. Do sở hữu nhiều mỏ sắt, kẽm và thạch anh ở khu vực xung quanh nên nơi đây từng là trung tâm thương mại thịnh vượng nhờ vào ngành công nghiệp đồ sắt. Trong nhiều thế kỷ, mọi người từ khắp nơi đến khu vực này để giao thương buôn bán.

Vào thời trị vì của vua Fathali Qajar, sự tồn tại của các mỏ này đã gây ra những cuộc chiến tàn khốc ở Masouleh. Còn ngôi làng cổ Abyaneh vẫn còn những dấu tích cho thấy một giai đoạn phát triển hưng thịnh ở vùng đất này như nhà thờ Hồi giáo Jameh vô cùng ấn tượng được xây dựng từ thế kỷ XII, làm từ gỗ óc chó và được chạm khắc cầu kỳ, hay thành cổ và những lâu đài từng được xây cất hoành tráng trên các đỉnh đồi nay đã trở thành hoang phế.

Trải qua thời gian, những ngôi làng cổ ngày nay không còn được phát triển như trước, thất nghiệp và bệnh dịch khiến nhiều người bỏ làng đến các thành phố lập nghiệp. Dân số của các làng cổ giảm nhanh chóng. Dân số Masouleh giảm nhanh từ nửa sau của thế kỷ XX, từ 3.500 người xuống 900 người vào cuối thế kỷ và hiện chỉ còn khoảng hơn 500 người. Làng Abyaneh cũng chỉ còn chừng 250 người, chủ yếu là người già sinh sống tại đây. Nhiều ngôi làng còn không có trường học cũng như các điều kiện thiết yếu cho một cuộc sống hiện đại.

Để bảo tồn các làng cổ, chính phủ Iran đã đưa các ngôi làng này vào danh sách di sản quốc gia và những người bám trụ với làng hiện đã có cuộc sống tốt hơn nhờ du lịch phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạm vào văn hóa Iran qua những ngôi làng cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.