Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạm vào quá khứ

Nguyễn Văn Công| 19/01/2023 11:16

(HNM) - Trong xã hội hiện đại, những món đồ cổ, đồ cũ tưởng như không còn được mấy người quan tâm. Nhưng đến những phiên chợ đồ cổ, đồ cũ ở Hà Nội mới thấy, những vật dụng nhuốm màu thời gian ấy vẫn được nâng niu, trân quý. Người ta đến đây không chỉ nhằm tìm mua một món đồ, mà còn để gặp lại những ký ức, kỷ niệm thân thương của mình.

Khơi dậy các giá trị nhân văn

Đã thành thông lệ, cứ sáng thứ bảy hằng tuần con ngõ nhỏ 456 phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) lại tấp nập người mua bán. Ban đầu đây là nơi nhóm họp của một nhóm người mê đồ cổ, sau phát triển thành chợ phiên và bây giờ thì giống như một ngày hội “đến hẹn lại lên” của giới mê đồ cổ Hà thành.

Tuy diện tích khiêm tốn, chỉ hơn 400m2 nhưng ở đây có cả trăm gian hàng và hàng nghìn loại đồ cổ, đồ xưa. Đó là các vật dụng sinh hoạt có từ thế kỷ XIX hoặc các loại đồ dùng do người Pháp mang tới Việt Nam đầu thế kỷ XX. Phổ biến nhất là đồ thời bao cấp như xe đạp Mifa, quạt con cóc, đèn dầu…

Anh Kiều Quốc Khánh, người khởi xướng thành lập khu chợ này cho biết: “Chủ các gian hàng ở đây đều là những người có cùng đam mê, sở thích chơi đồ cổ. Chúng tôi tập hợp lại và sinh hoạt thông qua chợ phiên. Qua những món đồ xưa được lưu giữ, chúng tôi muốn tái hiện một phần sự biến chuyển của đất nước qua các thời kỳ, đặc biệt là thời bao cấp - một giai đoạn khó khăn của đất nước. Chúng tôi muốn cung cấp cho giới trẻ cái nhìn đa chiều về quãng thời gian đã lùi vào quá khứ để khơi dậy những giá trị nhân văn trong mỗi người”. Anh Khánh cũng chia sẻ thêm, khu chợ được thành lập không chỉ với mục đích bán hàng mà còn là nơi để những người yêu đồ cổ, đồ cũ gặp gỡ, giao lưu hoặc “khoe” món đồ mới sưu tầm được.

Ở đây, ngoài những món đồ dân dụng còn có nhiều gian hàng bày bán các kỷ vật chiến tranh. Những người từng trải qua chiến tranh khi “gặp lại” chiếc thắt lưng bộ đội, bộ quân phục, bình bi đông đựng nước… đều không giấu nổi cảm xúc và bồi hồi nhớ về những năm tháng gian khổ mà hào hùng. Các món đồ ở đây không có giá cả cố định mà chủ yếu do sự thương lượng giữa người mua, người bán. Đặc biệt, hình thức trao đổi trực tiếp rất phổ biến, như thể họ đang chia sẻ thú vui, niềm đam mê chứ không đặt nặng giá trị vật chất.

Gặp lại cả miền ký ức

Không “ồn ào” như chợ trên phố Hoàng Hoa Thám nhưng giới mê đồ cổ chắc chắn không thể không biết đến chợ đồ cũ Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Tuy mới hình thành cách đây gần chục năm nhưng chợ đồ cũ Vạn Phúc cũng có đến cả trăm gian hàng, sản phẩm rất phong phú, từ thiết bị điện tử, các món đồ gia dụng đến hoành phi, câu đối, gốm sứ, sách vở… Cứ 5 ngày chợ họp một lần, cố định vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch.

Các mặt hàng ở chợ đồ cũ Vạn Phúc có giá trị sử dụng nhiều hơn, thành phần khách hàng cũng đa dạng hơn so với chợ trên phố Hoàng Hoa Thám. Không chỉ người mê đồ cổ mà nhiều người thu nhập thấp cũng đến đây để tìm mua một món đồ ưng ý mà giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, ở chợ Vạn Phúc cũng có những món đồ giá trị không kém chợ trên phố Hoàng Hoa Thám. Đặc biệt, có những món đồ tuy ít giá trị sử dụng trong xã hội hiện đại nhưng với nhiều người lại vô cùng quý giá.

Ông Nguyễn Văn Dân (quận Hà Đông) sau khi tìm được một chiếc máy đánh chữ thời bao cấp đã xúc động nói: “40 năm trước, máy đánh chữ là đồ vật có giá trị nhất trong gia đình tôi, bởi đó là công cụ mưu sinh của gia đình tôi. Anh em tôi thường nghe thấy tiếng gõ máy lách cách của bố hằng đêm. Nay bố tôi đã đi xa nên khi nhìn thấy lại kỷ vật ngày xưa tôi rất xúc động và nhớ đến bố, nhớ về tuổi thơ của mình”. Một chủ cửa hàng chia sẻ: “Không phải ai đến đây cũng tìm mua đồ. Mười người vào xem chỉ có một, hai người mua. Nhiều người đến đây để tìm lại kỷ niệm gắn bó với họ thông qua một món đồ nào đó. Thấu hiểu điều đó nên chúng tôi luôn để khách tự do ngắm nghía, xem hàng, hỏi han về nguồn gốc, giá trị dù biết rằng họ có thể không mua”.

Chợ đồ cũ Vạn Phúc ngày cuối năm.

Một điểm nổi bật ở chợ đồ cũ Vạn Phúc là các món đồ thường không được sắp xếp gọn gàng theo từng mặt hàng, thậm chí nhiều loại còn trộn lẫn với nhau. Người bán cũng ít mời chào, chèo kéo, khách hàng có thể tha hồ “nâng lên đặt xuống”, trả giá thoải mái. Bà Kiều Nhi, một chủ cửa hàng điện tử chia sẻ: “Đồ ở đây được thu mua từ nhiều nguồn, từ mua buôn đến mua lẻ đều có, thậm chí là đồ bãi của Nhật Bản, Hàn Quốc… Chất lượng dĩ nhiên không thể bằng đồ mới nhưng vẫn có thể sử dụng tốt mà giá lại hợp lý”. Bà Kiều Nhi cho biết thêm, ở chợ Vạn Phúc đồ cổ ít hơn đồ cũ. Bà cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng tình cờ tìm được món đồ cũ của gia đình mình sau nhiều năm “lưu lạc”, họ rất bất ngờ xen lẫn vui mừng và mua ngay về làm kỷ niệm.

Cũ người - mới ta

Đến các chợ đồ cũ, khách hàng chuẩn bị sẵn tâm thế “cũ người - mới ta”. Món đồ có thể ít hoặc không có giá trị với người này nhưng lại hữu dụng, thậm chí cực kỳ quý giá đối với người khác.

Không chỉ có chợ của người Việt, gần đây còn xuất hiện một số phiên chợ đồ cũ của người nước ngoài. Như hồi tháng 5-2021, phiên chợ đồ cũ của cộng đồng người Pháp tại Việt Nam được tổ chức ở đình Quảng Bá, thu hút hàng trăm người tham gia, bao gồm cả người Pháp lẫn người Việt. Chị Diệu Huyền, một người tham gia tổ chức phiên chợ cho biết: Người Pháp ở Hà Nội khá đông. Khi kết thúc một nhiệm kỳ công tác họ không thể mang hết đồ đạc về được nên muốn bán lại cho những ai có nhu cầu. Đó phần lớn là đồ gia dụng như quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện tử, thiết bị nhà bếp, đồ trang trí, lò vi sóng, sách truyện… đã qua sử dụng nhưng còn khá mới, vẫn sử dụng tốt. Do bán thanh lý nên giá cũng khá “mềm”, không chỉ người nước ngoài mà rất nhiều người Việt cũng tìm đến để chọn cho mình một món đồ ưng ý. Khách đến đây còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của người Pháp như gan ngỗng, bánh gato “khúc gỗ”, rượu vang nóng, bánh mì bột chua… với giá cả hợp lý.

Đến chợ phiên đồ cũ trong cái rét ngọt của Hà Nội ngày cuối năm bỗng có cảm giác ấm lòng khi ta được “chạm” vào quá khứ, với biết bao kỷ niệm, ký ức tươi đẹp, thân thương chợt ùa về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chạm vào quá khứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.