Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm tiến độ vì “đói” vốn

Hữu Hoài| 17/03/2014 06:14

(HNM) - Sau nhiều năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, đến nay người dân khu vực ngoại thành vẫn thiếu nước sinh hoạt.



Như vậy, mục tiêu đặt ra đến hết năm 2015, 60% dân số khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đang đứng trước nguy cơ lỗi hẹn. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội về vấn đề này.

Trạm cấp nước sạch thị trấn Thường Tín.


- Từ nhiều năm nay, thành phố luôn quan tâm vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, nhưng tại sao tỷ lệ dân số nông thôn, nhất là vùng khó khăn, xa trung tâm vẫn chịu nhiều thiệt thòi, thưa ông?

- Không chỉ vùng khó khăn, xa trung tâm, ngay tại các huyện ven đô như Hoài Đức, Chương Mỹ, Thường Tín..., người dân cũng chưa được sử dụng nước sạch. Nhiều nơi vào mùa khô, người dân phải mua nước sạch với giá khoảng 100.000 đồng một mét khối bán rong bằng xe bò, thùng phi để sử dụng. Tại các huyện phía nam thành phố, nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng, asen nghiêm trọng... Khảo sát và điều tra của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ người dân đang sinh sống tại 401 xã ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp. Hiện mới có 35,26% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Qua các lần họp HĐND thành phố, cử tri đã có nhiều ý kiến. Cụ thể, trong 12 ý kiến chất vấn của cử tri tại kỳ họp vừa qua thì có tới 6 nội dung tập trung vấn đề thiếu nước sạch.

- Ông có thể cho biết rõ hơn vì sao tỷ lệ dân số nông thôn của Hà Nội chưa được sử dụng nước sạch còn lớn như vậy?

- Khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 18 huyện và 1 thị xã với trên 60% dân số (khoảng hơn 4 triệu người) sinh sống ở nông thôn. Trước đây, đầu tư cho nước sạch không đồng bộ, manh mún, dẫn tới tình trạng một số công trình chưa hoàn chỉnh, nhiều công trình chỉ đầu tư trạm cấp nước, không đầu tư đường ống, có công trình đầu tư xong hệ thống đường ống nhưng không đấu nối được… Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn bộc lộ nhiều tồn tại như trình độ công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn nghèo nàn; giá tiêu thụ nước chưa được tính đúng, tính đủ. Kinh phí đầu tư cho chương trình nước sạch cũng hạn chế, trong 5 năm qua, ngân sách thành phố mới đầu tư 115,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu vốn để thực hiện đã được thành phố phê duyệt là 770 tỷ đồng.

- Chủ trương của thành phố là đẩy mạnh xã hội hóa nhưng doanh nghiệp (DN) khi đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch lại kêu khó. Tại sao lại có tình trạng này?

- Thực tế có những tồn tại về các điều kiện bàn giao cho DN tham gia xã hội hóa đầu tư khôi phục trạm cấp nước sạch đầu tư xây dựng dở dang. Hiện nay, toàn thành phố còn 21 trạm đầu tư xây dựng dở dang. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo khá chi tiết cách đây khoảng 2 năm, nhưng khi triển khai thực hiện lại gặp vướng mắc về thủ tục. Nếu muốn được hưởng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, dứt khoát phải làm lại thủ tục, cấp phép đầu tư. Các DN lại chưa quen làm việc này nên phải làm đi làm lại. Ngoài ra, để bàn giao trạm cấp nước cho chủ đầu tư mới thì phải quyết toán được tài chính nhưng các địa phương gặp một số khó khăn trong khâu định giá tài sản cũ; một số nơi còn bị thất lạc hồ sơ dự án... Căn cứ vào cơ chế, chính sách vừa được HĐND thành phố thông qua, chúng tôi đã báo cáo, UBND thành phố thành lập tổ công tác rà soát lại các thủ tục và xây dựng cơ chế tháo gỡ để khuyến khích DN tham gia xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ khôi phục các trạm cấp nước xây dựng dở dang.

- Vậy, theo ông, cần làm gì để Hà Nội từng bước cán đích về chỉ tiêu nước sạch nông thôn?

- Chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra: 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Để hoàn thành mục tiêu này, Sở NN&PTNT đã tham mưu với thành phố đầu tư từ ngân sách 6 trạm cấp nước liên xã tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh, Thanh Oai nhằm cung cấp nước sạch cho khoảng 264.000 người; thực hiện hiệu quả các dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, cung cấp nước sạch cho khoảng 110.000 người; tiếp tục hỗ trợ 30.000 thiết bị lọc nước, cấp cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo các khu vực nguồn nước bị ô nhiễm nặng và chưa đủ điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung; đấu nối với hệ thống cấp nước của đô thị, cấp nước cho 440 nghìn người… Nhưng rất tiếc, do khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết dự án đang trong tình trạng “đói” vốn, do chưa được ghi vốn đầu tư từ ngân sách năm 2014 nên chưa triển khai được. Chúng tôi đang làm thủ tục đề nghị HĐND thành phố phân bổ vốn đợt 2 năm 2014 để thực hiện các dự án nước sạch... Ngoài việc quan tâm bố trí nguồn vốn cho các dự án nước sạch, các cấp, các ngành cần quan tâm đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là giải quyết các khó khăn về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ khôi phục các trạm cấp nước.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm tiến độ vì “đói” vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.