Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư: Đâu là nguyên nhân?

Tuấn Lương| 16/09/2014 06:00

(HNM) - Tất cả các dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều bị chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư từ 60% đến trên 170%.



Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do loại hình ĐSĐT lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, sử dụng vốn ODA. Các quy định về đầu tư theo pháp luật của Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian. Hơn nữa, việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, nhà thầu đều bị ràng buộc điều kiện với nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua hồ Đống Đa. Ảnh: Việt Linh


Chậm tiến độ, trượt giá

Theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 16 tuyến ĐSĐT. Tại Hà Nội đang triển khai thực hiện 4 dự án với tổng chiều dài 58,5km, bao gồm: Dự án ĐSĐT thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Dự án ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (do UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư); Dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1 Yên Viên -Ngọc Hồi (giai đoạn 1) và ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông (do Bộ GTVT quyết định đầu tư). Tại TP Hồ Chí Minh có 2 dự án đang thực hiện với tổng chiều dài 31km, gồm: ĐSĐT số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên và ĐSĐT số 2 tuyến Bến Thành - Tham Lương (đều do UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư). Theo đánh giá của Bộ GTVT, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ từ 2 đến 3 năm so với dự kiến và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 60 đến 172% so với phê duyệt ban đầu.

Trong số này, tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ban đầu phê duyệt có tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2015. Đến nay theo tính toán, dự kiến tổng mức đầu tư của dự án này sẽ tăng lên mức 51.750 tỷ đồng (chậm 3 năm). Dự án ĐSĐT tuyến Nhổn - ga Hà Nội theo phê duyệt ban đầu chỉ có 783 triệu Euro nhưng phải điều chỉnh lên 1,176 tỷ Euro. Tuyến này bị chậm tiến độ 3 năm. Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông dù đã được điều chỉnh vốn một lần với mức tăng 339 triệu USD nhưng đến nay kinh phí mua phương tiện lại tăng thêm 30% so với phê duyệt, trong đó tăng 15% do trượt giá, còn lại do chênh lệch tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:

Đề nghị ngay khi lập dự án, chủ đầu tư phải khẳng định được vai trò của mình. Cần tách khâu giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng. Trong thời gian tới cần nghiên cứu phát triển công nghiệp cho đường sắt, để tránh tình trạng hiện nay bất cứ thiết bị gì chúng ta cũng phải nhập khẩu.

Các dự án ĐSĐT tại TP Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự. Trong đó, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, mức đầu tư được phê duyệt năm 2007 là 17.387 tỷ đồng, năm 2011 đã điều chỉnh lên 47.325 tỷ đồng (chậm tiến độ 2 năm). Tuyến Bến Thành - Tham Lương ban đầu phê duyệt 1,374 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,158 tỷ USD (chậm tiến độ 2 năm).

Phải quản chặt nguồn vốn

Ông Nguyễn Hoằng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho rằng, các dự án bị chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư là do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; những biến động tiền lương, vật liệu xây dựng, tỷ giá… Các dự án này có tính chất phức tạp, chưa phù hợp hoặc thiếu cả về giải pháp kỹ thuật lẫn khối lượng. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Đặc biệt, đường sắt nội đô là dự án mới lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, công nghệ và thiết bị đều mới, nhiều vật tư chuyên dụng khó kiểm soát về giá. Dự án sử dụng vốn vay ODA, các quy định về đầu tư theo pháp luật của Việt Nam có sự khác biệt so với quy định của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian. Hơn nữa, việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, nhà thầu dự án đều bị ràng buộc điều kiện với nhà tài trợ.

Khẳng định quan điểm không nên quy việc chậm giải phóng mặt bằng làm tăng tổng mức đầu tư dự án, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: Quá trình nghiên cứu lập dự án còn quá sơ sài. Toàn bộ khung tiêu chuẩn, chính sách pháp lý đến nay vẫn chưa hoàn thiện và phải phụ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ, tư vấn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phải thừa nhận thực tế là sự phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương còn chưa đồng bộ, chưa làm hết trách nhiệm.

Tại buổi họp với lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các đơn vị chủ đầu tư dự án ĐSĐT và các cơ quan liên quan mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, đây đều là các dự án lớn có tổng mức đầu tư cao và phải dùng vốn vay nước ngoài. Nhưng vốn vay nước ngoài hay trong nước thì cuối cùng chính người dân phải nộp thuế để trả. Do vậy, việc quản lý chặt chẽ có hiệu quả vốn vay nước ngoài cũng như vốn đối ứng của Chính phủ là trách nhiệm của Bộ GTVT, của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là của 2 địa phương TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phải bảo đảm tiền thuế của người dân được sử dụng có hiệu quả nhất, mang lại giá trị, lợi ích kinh tế, xã hội. Vấn đề quan trọng là tập trung vào các giải pháp để khắc phục ngay những tồn tại, bất cập hiện nay nhằm đưa ra được lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với các dự án đang triển khai cũng như lộ trình, kế hoạch đối với các dự án còn lại. Bộ GTVT sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả các dự án ĐSĐT; đồng thời rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức ĐSĐT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an tiếp tục quan tâm, giám sát không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng ở các dự án này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư: Đâu là nguyên nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.