Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm nhưng không thể chậm hơn

Nguyễn Ngọc Tiến| 04/05/2011 14:22

(HNMO) - Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. R&D không chỉ mang lại sức cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp và nền kinh tế của quốc gia đó mà còn tạo ra sự tăng trưởng bền vững. Trông người và ngẫm đến ta


Tháng 4/2010, cả thế giới chứng kiến cảnh tuợng người tiêu dùng Mỹ xếp hàng rồng rắn từ sáng sớm để mua được chiếc Ipad của hãng Apple. Hơn 2 tháng sau, lại cơn sốt máy điện thoại Iphone 4 cũng diễn ra ở Mỹ lan sang châu Âu rồi đến châu Á? Điều gì đã làm nên cứ sốc đối với các sản phẩm này? Đó chính là các sản phẩm này có tính năng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại, đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng.

Người dân Mỹ xếp hàng mua Ipad 2. Ảnh: Internet

So với nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc và Nhật Bản gần như không có tài nguyên hay đất nông nghiệp, nhưng họ vẫn dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực với nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Nhờ có các doanh nghiệp mạnh, Nhật Bản đã vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới trong nhiều năm liền. Còn Hàn Quốc, dù họ đi sau các quốc gia châu Âu song cũng là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới. Một trong những nguyên nhân làm cho Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển nhanh vì họ đầu tư vào R&D rất lớn. Năm 2007, Nhật Bản đầu tư cho R&D là 3,4% GDP, Hàn Quốc là 3,3%. Trong khi đó Mỹ 2,5 %, Đức 2,4% Singapore 1,1%. Nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc đầu tư vào R&D mới chỉ chiếm 1,54% GDP năm 2008 và họ đang phấn đấu tăng lên 2,2% GDP trong 5 năm tới. Song chỉ thế thôi nhưng Trung Quốc đã có mọi thành tựu khoa học mà thế giới có, như: Tàu vũ trụ có người lái, máy bay chở khách và mới đây nhất là máy bay chiến đấu tàng hình J20, công nghệ tái chế uranium và rất nhiều sản phẩm khác. Theo báo cáo của UNESCO năm 2007, Trung Quốc có 1.423 triệu nhà nghiên cứu chiếm 19,7% số nhà nghiên cứu trên thế giới. Về nguồn nhân lực dành cho R&D, Trung Quốc theo sát Mỹ và châu Âu và quốc gia này có 1.070 nhà nghiên cứu trên 1 triệu dân.

Tại các nước phát triển, các tập đoàn tư nhân đi đầu cho R&D, số tiền họ chi ra lớn hơn tiền nhà nước theo tỷ lệ nhà nước 1 - tư nhân 3. Việc nghiên cứu không chỉ ở tại các phòng thí nghiệm mà diễn ra ở cả các quốc gia mà họ có cơ sở sản xuất. Ví dụ như tại Việt Nam, dù các mẫu xe của hãng Ford như: Transit, Ford Ranger hay Mondeo đã tiêu thụ khá nhiều trên thị trường từ nhiều năm qua, song ngày này qua tháng khác, Ford Việt Nam vẫn tiếp tục cho chạy thử trên các cung đường khác nhau, khí hậu khác nhau để phát hiện thêm cái hay, cái dở rồi phản hồi lại bộ phận R&D. Cũng chính nhờ R&D, họ đã đưa ra mẫu xe nhỏ Fista vừa tiết kiệm nhiên liệu và tích hợp các tính năng hiện đại của các dòng xe cao cấp nên hãng đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục. Khi khủng hoảng kinh tế giới xảy ra năm 2008, 2009, nhiều doanh nghiệp trên thế giới phải cơ cấu lại để giảm chi tiêu, kinh phí dành cho R&D cũng bị cắt giảm nhưng ít hơn so với các bộ phận khác vì nếu cắt giảm nhiều sẽ ảnh hưởng khi nền kinh tế phục hồi. Điều đó cho thấy vai trò của R&D quan trọng thế nào.

Để tạo nguồn nhân lực, nhiều quốc gia đang phát triển như: Ấn Độ, Trung Quốc đã tiến hành cải tiến nền giáo dục, đưa sinh viên ra học tập ở các trường đại học có uy tín, thu hút chất xám trong cộng đồng ngoại kiều bằng cách khơi dậy tinh thần dân tộc, điều kiện làm việc, thu nhập... Điều này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chính sách kinh tế xã hội năm 2010 do Chính phủ tổ chức vào ngày 29 và 30/12/2010 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã trình bày báo cáo về các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong trước mắt và trung hạn. Theo báo cáo, hơn 66% tăng trưởng kinh tế thời gian qua nhờ phân bố lại và dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Chỉ có 1/3 là nhờ nâng cao năng suất lao động trong nội bộ từng ngành, năng suất lao động của công nghiệp, dịch vụ còn thấp. 65% tăng trưởng là nhờ gia tăng lượng vốn đầu tư xã hội. Năng suất lao động tổng hợp chỉ đóng góp khoảng 25% và đang có xu hướng giảm. Cũng theo ông Võ Hồng Phúc: "Các nỗ lực gia tăng thêm tăng trưởng đều dẫn đến tăng trưởng trong thế không cân đối". Điều đó đã dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, thâm hụt cán cân vãng lai lớn, bất ổn vĩ mô ngày càng có tần suất cao "đe dọa mục tiêu tăng trưởng tương lai và các thành tựu xóa đói, giảm nghèo".

Vấn đề là ở chỗ, dù tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu. Vào các website của 8 tập đoàn nhà nước hay các tổng công ty 90, thấy rất ít doanh nghiệp có cơ sở R&D và ngay cả doanh nghiệp có thì cũng không biết mức đầu tư thế nào, nhân lực ra sao. TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, tăng trưởng trong những năm qua của doanh nghiệp nhà nước là do độc quyền nhà nước bị biến thành độc quyền doanh nghiệp. Các doanh nhiệp nhà nước được ưu ái trong việc thuê đất, được cấp vốn. Tăng trưởng không phải do chính nội lực của doanh nghiệp. Tăng trưởng của không ít tập đoàn là do tăng vốn đầu tư, điều này giống như người lên cân là nhờ ăn nhiều chứ không phải nhờ tập luyện và ăn chất có dinh dưỡng cao. Chuyên gia nổi tiếng thế giới về chiến lược cạnh tranh Michel Porter lần đầu sang Việt Nam vào tháng 12/2008 đã đánh giá: Doanh nghiệp Việt Nam là "ăn xổi ở thì".

Trong nhiều năm qua, nhà nước đã có chính sách và tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, tuy nhiên vẫn ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,6% GDP, trong đó 0,5% của nhà nước và 0,1% là các thành phần kinh tế khác. Tuy nhỉên trong 0,5% lại có cả đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật,quản lý phí nên số tiền thực cho đầu tư còn nhỏ hơn nhiều. Tỷ lệ đầu tư cho khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước tại các quốc gia phát triển so với khu vực ngoài nhà nước khoảng 1:3, còn Việt Nam thì ngược lại: 5:1. Theo số liệu của Bộ KH và CN, đầu tư cho lĩnh vực này, tính trên đầu người năm 2007 là khoảng 5 USD, trong khi đó ở Hàn Quốc là khoảng 1.000 USD. Trong báo cáo của David Dapicé (Đại học Havard) nghiên cứu kinh tế Việt Nam năm 2006 thì do sự yếu kém về quản trị công và quản trị doanh nghiệp, R&D yếu kém đã làm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta giảm khoảng 2% GDP/năm, tức là nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng 10%/năm thay vì trên dưới 8% như hiện nay. Hiện tại chỉ có các doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh quốc tế mới đầu tư cho R&D.

Đầu tư cho R&D ở Việt Nam thấp do nhiều nguyên nhân. Cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhà nước có thời hạn nên người được bổ nhiệm chú trọng đến mục tiêu trước mắt, ngắn hạn hơn là quan tâm đến chiến lược lâu dài của doanh nghiệp; chính sách thu hút các nhà khoa học là Việt kiều dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa đồng bộ; không ít tỉnh trải thảm đỏ mời gọi nhân tài nhưng kết quả còn thấp vì vẫn vướng cơ chế. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của khoa học công nghệ Việt Nam thấp và tiềm lực doanh nghiệp còn hạn chế. Song điều đáng nói là phương pháp đào tạo đại học quá lạc hậu, học nặng về lý thuyết, thiếu thực hành dẫn đến chất lượng sinh viên không cao.

Không R&D, doanh nghiệp chỉ loanh quanh sân nhà

Nhiều năm nay, kinh tế Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu từ Trung Quốc. Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 12,6 tỷ USD. Tiềm lực kinh tế nước ta còn nhỏ bé và đang phát triển thì việc nhập siêu cũng là "bình thường", nhưng đáng lưu ý là chỉ dồn vào Trung Quốc. Loại trừ buộc phải nhập nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị nhưng nhập siêu hàng tiêu dùng là rất lớn. Không chỉ theo con đường chính ngạch mà hàng tiêu dùng nhập lậu theo đường tiểu ngạch là đáng lo ngại. Nhiều sản phẩm Việt Nam sản xuất được nhưng không cạnh tranh nổi với hàng cùng loại của Trung Quốc về giá và mẫu mã. Chỉ lấy mặt hàng quạt điện làm ví dụ cho thấy các loại quạt điện của Trung Quốc thay đổi mẫu mã liên tục, vào mùa đông, họ cho ra các loại quạt sưởi từ loại rẻ tiền đến đắt tiền; vào mùa hè họ có loại quạt dùng cho lúc mất điện. Trong khi đó quạt điện Việt Nam thì sao? Có lẽ không cần phải giải thích cho dù nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng này rất cố gắng. Có nhiều nguyên nhân, song hàng hóa Việt Nam đơn điệu về mẫu mã là do không có bộ phận R&D.

Trong năm 2010,nhiều cơ sở R&D của ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã ra đời. Đi đầu phải kể đến cơ sở nghiên cứu Viettel Technologies của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, họ đã nghiên cứu và cho ra VTT Iphone, VTT GPE... mới nhất là USB 3G (VT 1000-3G). Trước đó Viettel cũng đã thành công khi nghiên cứu và sản xuất thiết bị Gateway 3G có thể chia sẻ kết nối internet trong mạng nội bộ, khả năng bắt sóng cao dành cho việc chuyển đổi tại các cơ sở giáo dục đang sử dụng công nghệ Edge 2.75G. Tập đoàn máy tính CMC cũng công bố sẽ dành 2 triệu USD cho quỹ nghiên cứu công nghệ mới hay mua và đặt hàng các ý tưởng mới. Trước đó là TMA Solutions, FPT cũng thành lập R&D. Trong khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin nhìn thấy nguy cơ bị cạnh tranh nhãn tiền thì không ít doanh nghiệp nhà nước ở các ngành khác dửng dưng. Có lẽ do họ không chịu áp lực cạnh tranh hoặc họ cũng không nghĩ quá xa cho tương lai doanh nghiệp. Trong tham luận trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đại biểu Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cho rằng bên cạnh những thành công nổi bật, mô hình tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đang áp dụng đã bộc lộ những bất cập, không đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới khi bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã thay đổi sâu sắc. Theo ông Khanh, Hà Nội tán thành tuyệt đối quan điểm thay đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững, dựa vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ hiện đại trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới, Hà Nội đã đề xuất 7 giải pháp chiến lược để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức một cách hiệu quả mà trước tiên là cần “khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia, coi đây là trục của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội", đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, để trở thành hình mẫu, đầu tàu phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp của cả nước. Giải pháp đáng chú ý khác, theo ông Vũ Hồng Khanh là: “Lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học, công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích họ xây dựng các trung tâm R&D, tạo kênh để từ đó, tri thức công nghệ lan tỏa rộng rãi ra toàn bộ nền kinh tế”. Trước thực trạng đầu tư cho R&D còn thấp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu muốn vươn ra thế giới, hay để không thua ngay chính trên sân nhà thì không thể không đầu tư cho R&D. "Nếu không đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam chỉ loanh quanh ở thị trường trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ hơn với các sản phẩm thông thường, đầu tư cho R&D ở nước ta đã chậm nhưng không thể chậm hơn" - bà Lan khẳng định. Không đầu tư cho R&D, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm toàn cầu.

Ngay từ năm 2000, Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đã coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội. Trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của khoa học, công nghệ trong phát triển kinh tế. Nếu không đầu tư mạnh hơn nữa và có chính sách đồng bộ thì Việt Nam sẽ khó có thể đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đường lối đã rõ ràng, mục tiêu rất cụ thể, vấn đề còn lại là thực hiện thế nào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chậm nhưng không thể chậm hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.