(HNM) - Người biểu tình ném trứng vào cảnh sát, đốt rơm rạ và phong tỏa mọi con đường dẫn đến trụ sở chính của Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) bằng hàng nghìn chiếc máy cày.
Cuộc biểu tình của nông dân hôm 8-9 được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng trong ngành Nông nghiệp Châu Âu, vốn đã nhen nhóm từ nửa năm trở lại đây. Trong bối cảnh chưa hết bàng hoàng trước cuộc khủng hoảng người nhập cư, "cơn thịnh nộ" của nông dân trên toàn Cựu lục địa khiến các nhà lãnh đạo khu vực thêm bối rối.
Hàng nghìn nông dân đã kéo máy cày tới Brussels (Bỉ). |
Những người biểu tình là nông dân từ nhiều nước như: Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Litva yêu cầu bảo đảm hoạt động nông nghiệp hiệu quả trong toàn EU. Đồng thời, đề nghị thực hiện một chính sách nông nghiệp chung (CAP), với các biện pháp phòng ngừa biến động thị trường và hỗ trợ tìm thêm những thị trường mới. Hiện tại, rất nhiều mặt hàng nông sản tại Châu Âu xuống giá thê thảm, nhất là sữa. Nhiều nhà sản xuất điêu đứng khi giá sữa rẻ hơn cả nước khoáng, chỉ khoảng 1 USD/lít. Theo một thống kê, từ đầu năm đến nay, giá sữa bán lẻ giảm khoảng 5%, giá sữa bán buôn giảm tới 20%, buộc nhiều nông dân phải bán tháo sữa với giá thấp hơn giá sản xuất. Bên cạnh đó, giá 1kg thịt lợn tại lò mổ cũng chỉ khoảng 1 euro, trong khi chi phí để cho ra sản phẩm lên đến 1,3-1,5 euro.
Theo các nhà phân tích, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đây là sự cộng dồn của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đầu tiên phải kể đến là chính sách nông nghiệp chung Châu Âu. Trên thực tế, chính sách này không phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không công bằng cho nền nông nghiệp ở những nước nghèo. Đặc biệt, các khoản hỗ trợ cho nông dân là quá tốn kém khi "nuốt chửng" gần một nửa ngân sách của EU.
Từ thực tế đó, EU phải quyết định bãi bỏ hạn ngạch cùng các quy định về bảo đảm giá và thay thế chúng bằng hỗ trợ thu nhập. Quyết định này khiến các nhà sản xuất nông sản lớn như Hà Lan, Đức hay Đan Mạch phải đẩy mạnh sản xuất để có lợi nhuận. Nông dân Pháp, Bỉ cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường. Nguyên nhân tiếp theo được cho là từ những chính sách nông nghiệp có nhiều bất cập của một số nước thành viên EU mà Pháp là một ví dụ điển hình. Chi phí lao động ở đây cao hơn so với các nước láng giềng, bởi quy mô chăn nuôi nhỏ. Quy mô sản xuất chính là lý do giải thích vì sao thu nhập bình quân của nông dân Pháp chỉ tăng 6% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2014 trong khi con số này là 34% tại các nước EU.
Ngoài những lý do chủ quan, còn một yếu tố khách quan được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá nông sản tại Châu Âu suy giảm: Do Châu Âu đang chịu hậu quả của lệnh cấm vận mà Nga áp dụng từ 1 năm qua liên quan đến thực phẩm có nguồn gốc từ EU. Do không thể xuất khẩu các sản phẩm sang xứ Bạch dương, thị trường nông sản Châu Âu đứng trước bài toán cung vượt cầu. Ngoài thị trường Nga, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, thời gian gần đây hoạt động xuất khẩu trên thị trường nông sản thế giới cũng bị ngừng đột ngột, trong khi thị trường sữa đã phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là nhu cầu về sữa bột tại thị trường Trung Quốc đột nhiên giảm xuống một nửa do kinh tế suy giảm. Điều này khiến các nhà sản xuất nông nghiệp lớn như Đức, Hà Lan hay Phần Lan buộc phải tung các sản phẩm tiêu thụ ngay tại thị trường EU, dẫn đến giá nhiều mặt hàng nông phẩm đã thấp, càng thấp thêm. Và tất nhiên, những nền nông nghiệp nhỏ hơn như Pháp, Bỉ sẽ chịu thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh giá cả.
Trong một cuộc họp khẩn cấp ngày 8-9, các bộ trưởng nông nghiệp 28 nước EU đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 500 triệu euro nhằm giảm bớt áp lực cho nông dân và giúp khôi phục thị trường. Tuy nhiên, số tiền này mới chỉ bằng một nửa khoản nợ mà nông dân Pháp đang phải gánh chịu vì nông sản rớt giá và bằng khoảng 1/10 số thiệt hại của nền nông nghiệp EU trong một năm do các lệnh cấm vận của Nga. Giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng này sẽ là một bài toán vô cùng hóc búa đối với các nhà lãnh đạo Cựu lục địa khi đà phục hồi kinh tế sau "cơn bão nợ" vẫn còn mong manh, chi phí để đối phó với làn sóng người nhập cư trái phép không nhỏ. Hiện tại, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, làn sóng biểu tình của người nông dân sẽ châm ngòi cho những bất ổn xã hội mới trong lòng Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.