(HNM) - Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại
Với lý do nhằm bảo đảm sự ổn định trên quần đảo Senkaku, trong một phát biểu với báo giới ngay sau cuộc họp nội các, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nhấn mạnh, Chính phủ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng với gia đình Kurihara - người sở hữu quần đảo Senkaku - để mua lại ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo này.
Quyết bỏ ra khoảng 2,05 tỷ yen (khoảng 26 triệu USD) để quốc hữu hóa ba hòn đảo Uotsuri, Kitakojima và Minamikojima thuộc quần đảo Senkaku của Nhật Bản ngay lập tức đã châm ngòi cho những căng thẳng mới trong quan hệ Trung - Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Bắc Kinh sẽ có "những biện pháp cần thiết" để tái khẳng định chủ quyền với nhóm đảo Nhật Bản đang kiểm soát trên Biển Hoa Đông. Tuy không đề cập cụ thể tới những giải pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ", mới đây trong một phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC 20 tại Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh, Nhật Bản cần có hành động cụ thể để có thể thỏa hiệp với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng và tăng cường quan hệ Trung - Nhật vì lợi ích chung.
Đây không phải lần đầu tiên quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản rơi vào căng thẳng vì những tranh cãi liên quan đến chủ quyền quần đảo tranh chấp. Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng hơn kể từ tháng 8 vừa qua khi các nhà hoạt động Hongkong (Trung Quốc) đặt chân lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát. Tình hình càng phức tạp hơn sau khi tin Nhật Bản sẽ bỏ tiền ra quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp này được khẳng định.
Ý tưởng mua lại ba hòn đảo do Thị trưởng thành phố Tokyo Shintaro Ishihara đề xướng và số tiền dùng để mua đảo cũng là tiền do ông quyên góp từ các nguồn khác nhau trong dân chúng. Căng thẳng quan hệ Trung - Nhật đã loang rộng sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda cho biết sẽ sớm xác nhận việc quốc hữu hóa các hòn đảo trên và chính thức thông báo với Trung Quốc trong các cuộc gặp bên lề tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào cuối tháng 9 này. Trong bối cảnh đó, việc quyết định quốc hữu hóa ba hòn đảo trên một lần nữa khẳng định quyết tâm của Nhật Bản liên quan tới các vấn đề biển đảo và lãnh hải.
Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia giàu tiềm lực ở khu vực Đông Bắc Á khi Trung Quốc và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, những căng thẳng ngoại giao xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã và đang ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai đầu tàu kinh tế của thế giới này. Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc tăng lên 17,62 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, so với mức thâm hụt 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2011.
Cùng với nhận định của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới đây về dự báo xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc trong cả năm 2012 sẽ giảm, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại hợp tác thương mại - đầu tư Trung Quốc - Nhật Bản có thể tiếp tục đi xuống khi tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa được giải quyết ổn thỏa. Với nhiều lợi ích ràng buộc, liệu hai quốc gia có để những tranh chấp về chủ quyền biển đảo ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hay không là một câu hỏi còn để ngỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.