(HNM) - Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 18-8-2011 là chương trình
Một giờ học tại lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Kết quả thực hiện chương trình đã tạo chuyển biến toàn diện trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị giúp Hà Nội giải quyết được những vấn đề, lĩnh vực khó khăn, hạn chế, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.
Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo
Với một chương trình có ý nghĩa quyết định tới hiệu quả của 8 chương trình còn lại, Chương trình 01 được chỉ đạo thực hiện một cách tập trung, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Chỉ riêng cấp thành phố đã có 17 đề án, chuyên đề; cấp ủy trực thuộc Thành ủy xây dựng tới 533 đề án, chuyên đề. Những nội dung chính của Chương trình 01-CTr/TU là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015.
Quá trình thực hiện chương trình đã phát huy được tính chủ động, đổi mới tư duy, cách thức thực hiện. 9 chỉ tiêu chủ yếu chương trình đặt ra đã được thực hiện hoàn thành và cơ bản hoàn thành, trong đó 4 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là: Tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; số đảng viên mới kết nạp và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học.
Những kết quả trên là minh chứng cho sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành. Nhưng điểm dễ nhận thấy hơn cả là nhiều vấn đề phát sinh đã được giải quyết kịp thời như việc Thành ủy lãnh đạo các lực lượng tuyên truyền đấu tranh với những quan điểm sai trái, âm mưu "Diễn biến hòa bình", thủ đoạn của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, nhất là những vụ việc nhạy cảm, phát sinh như Thư ngỏ 61, vụ việc liên quan đến vấn đề tôn giáo, tình hình căng thẳng trên Biển Đông…
Điểm nhấn quan trọng nữa trong nhiệm kỳ 2010-2015 là, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy tiếp tục được đổi mới theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả. Trong đó, các cấp ủy chú trọng đổi mới cách ra nghị quyết theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, coi trọng hiệu quả công việc.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Đầu nhiệm kỳ, ở cấp xã có nơi chỉ 20% cán bộ chủ chốt có trình độ đại học. Xác định "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", 5 năm qua, Thành ủy tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ cơ sở. Những huyện gặp khó khăn được tạo điều kiện mở lớp đào tạo đại học tại chức, trung cấp lý luận chính trị ngay tại địa phương để chuẩn hóa cán bộ. Nhờ đó, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đông đảo và chất lượng khá toàn diện. Trong gần 1.000 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, 100% có trình độ chuyên môn đại học và cao cấp, cử nhân lý luận chính trị (có 36,74% cán bộ có trình độ sau đại học). Cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 96,07%; cán bộ chủ chốt khối phường, thị trấn có trình độ đại học trở lên đạt 93%, riêng khối xã đạt 64,11%...
Trong nhiệm kỳ qua, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng và chặt chẽ. Công tác quy hoạch cán bộ của Đảng bộ TP Hà Nội cũng có nhiều đổi mới, lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trên, thực hiện quy trình chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng. Đặc biệt, thể hiện tầm nhìn dài hạn khi xây dựng lớp cán bộ chủ chốt kế cận đủ tầm gánh vác công việc của Thủ đô trong tương lai, nhiệm kỳ qua, thành phố đã tổ chức 5 lớp cán bộ nguồn công tác đảng, đoàn thể với gần 500 học viên và 3 lớp công chức nguồn xã, phường, thị trấn với 750 học viên, vượt chỉ tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn cho thành phố và cơ sở. Cách đào tạo cán bộ nguồn hết sức bài bản, có chiều sâu của Hà Nội được trung ương đánh giá cao. Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh chủ trương luân chuyển cán bộ (107 đồng chí, trong đó 12 đồng chí dưới 40 tuổi) nhằm rèn luyện, bồi dưỡng, giúp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ trưởng thành.
Giải quyết nhiều việc khó, việc mới
Khi mới thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội, việc vận hành bộ máy lãnh đạo từ chỗ được xem là một thách thức lớn của Hà Nội nhưng sau đó đã trở thành điểm tựa quan trọng để Thủ đô đi lên. Có được kết quả này là nhờ Chương trình 01-CTr/TU.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, mô hình tổ chức, hoạt động của chi bộ ở một số địa bàn dân cư có nhiều bất cập cần kiện toàn, sắp xếp đồng bộ. Sức lan tỏa, độ "ngấm" của các chủ trương, chính sách vào cuộc sống như thế nào phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Và Thành ủy đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU nhằm giải quyết những bất cập nêu trên, bảo đảm tính ổn định - đồng bộ - thống nhất trong toàn thành phố. Sau khi sắp xếp đã giảm gần 1/3 số tổ dân phố (2.239 tổ dân phố) và 6 thôn; chia tách sáp nhập 1.008 chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ thôn, tổ dân phố và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn. Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước đã được thực hiện thành công.
Thành ủy cũng ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU nhằm phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Toàn thành phố đã thành lập được 540 tổ chức đảng, nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước lên 1.291; kết nạp 3.117 đảng viên, trong đó có 16 chủ doanh nghiệp. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã tạo ra bầu không khí mới, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của chủ doanh nghiệp và người lao động với Đảng, với các tổ chức đoàn thể. Nói cách khác, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị mà TP Hà Nội đã tạo nên những chuyển biến quan trọng trên tất cả lĩnh vực, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.