Ngày 15-1, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo và các mô hình công tác xã hội nhân đạo” giai đoạn 2008-2018.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Công tác nhân đạo cần sự vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền các cấp
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói chung, đặc biệt là Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội tổ chức là phong trào có ý nghĩa thiết thực, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đúng tinh thần chăm lo cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn sự đóng góp của Hội Chữ thập đỏ các cấp, tình nguyện viên, hội viên, tổ chức, cá nhân đã thiết thực hỗ trợ phong trào nhân đạo không chỉ bằng tấm lòng mà còn có nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực. Những mô hình này không chỉ cần được nhân rộng trong công tác nhân đạo mà còn trong công tác xã hội nói chung của các cấp, chính quyền.
Phó Thủ tướng cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững với 17 nhóm tiêu chí, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bất cứ ai, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, gặp khó khăn gì cũng cần được trợ giúp để họ đóng góp phát triển xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước, tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt Nam…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác nhân đạo không chỉ là của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mà phải có trách nhiệm, sự vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền các cấp để việc thực hiện các mô hình, ý tưởng sáng tạo cho công tác nhân đạo được thuận lợi, bền vững hơn.
Thời gian tới, các cấp ủy chính quyền, đoàn thể, chữ thập đỏ cần kết hợp, lồng ghép các chương trình, mô hình để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần đề xuất, tham mưu để Nhà nước vào cuộc, có chính sách vĩ mô khuyến khích doanh nghiệp, tập thể, đơn vị, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động nhân đạo.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần vận dụng, phát huy sáng kiến, ứng dụng phương thức, công nghệ mới để mỗi địa chỉ nhân đạo phải được cả cộng đồng biết đến, kết nối mọi sự trợ giúp bằng nhiều hình thức phù hợp nhất.
Hội phối hợp với những bộ, ngành khác để kết nối cộng đồng những tấm lòng hảo tâm trong công tác từ thiện để đẩy cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đi vào chiều sâu bằng chính sức mạnh cộng đồng.
Công việc từ thiện nhân đạo cần được thực hiện bằng tấm lòng, sự sáng tạo, khơi dậy sự tốt đẹp trong lòng mỗi con người để lan tỏa những giá trị nhân ái, tốt đẹp, giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn.
Trợ giúp nhân đạo thiết thực cho cộng đồng
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, tháng 1-2008, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thống nhất triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với phương châm mọi người cần giúp đỡ đều nhận được sự trợ giúp thích hợp.
Trong giai đoạn 2008-2018, Hội xác định việc xây dựng các mô hình tốt là vấn đề cốt lõi để triển khai, nhân rộng trong toàn hệ thống. Từ cuộc vận động đã hình thành một số mô hình nhân đạo tiêu biểu, sáng tạo, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng.
Các mô hình như: “Ngân hàng bò”, “Bếp ăn tình thương”, “Xây nhà chữ thập đỏ”... đã thể hiện rõ màu cờ, sắc áo, trở thành thương hiệu của Hội, được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các hội quốc gia đánh giá cao.
Hơn 2,3 triệu địa chỉ đã được trợ giúp với tổng giá trị gần 3.813 tỷ đồng. Trong 10 năm triển khai cuộc vận động, mô hình Ngân hàng bò đã đóng góp 24.100 con bò với trị giá trên 291 tỷ đồng. Mô hình xây nhà chữ thập đỏ triển khai xây trên 28.700 căn với trị giá gần 870 tỷ đồng.
Mô hình bếp ăn tình thương với 181 bếp, cung cấp gần 29,3 triệu suất ăn miễn phí; nuôi heo đất, lợn nhựa tiết kiệm, góp tiền lẻ... đã hỗ trợ gần 184.000 học sinh nghèo. Mô hình Hũ gạo tình thương phát triển ở 40 tỉnh, thành phố, tích lũy được hơn 125 tấn gạo...
Cuộc vận động đã góp phần chuyển hướng tư duy, nhận thức của Hội về tổ chức hoạt động nhân đạo tại cộng đồng, từng bước khẳng định vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo, giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong hoạt động nhân đạo.
Trong quá trình triển khai, cuộc vận động đã tạo được nhiều điểm nhấn ấn tượng: Là cuộc vận động được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ nhất; được lãnh đạo chủ chốt cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương tham gia nhiều nhất; nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả mang tính phát triển bền vững; gắn kết được các tập thể, cá nhân tham gia nhiều nhất...
Tuy vậy, cuộc vận động vẫn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vẫn nặng tính phong trào, coi nhẹ tính bền vững, công tác điều tra, khảo sát có nơi chưa thống nhất về lựa chọn tiêu chí, chưa gắn với đối tượng theo hướng trợ giúp phát triển...
Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc vận động, rà soát danh sách địa chỉ nhân đạo, duy trì thường xuyên việc khảo sát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo theo hướng thống nhất vận dụng phương thức linh hoạt.
Đặc biệt, Hội đổi mới phương thức trợ giúp đối tượng, liên tục, thiết thực theo hướng phát triển bền vững; lựa chọn mô hình phù hợp với thực tiễn của các địa phương, khả năng tham gia của cộng đồng để đảm bảo mô hình có chiều sâu, lan tỏa và bền vững...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.