Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm hoàn thuế: Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép

Hương Ly| 16/03/2016 07:00

(HNM) - Không ít doanh nghiệp vẫn như

Do cơ quan chức năng chậm hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp khó khăn khi cần vốn để quay vòng sản xuất. Ảnh: Linh Ngọc


Quỹ hoàn thuế, chỗ thiếu, chỗ... thừa

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty Nhất Trí Thành, DN chuyên cung cấp vật tư cho ngành luyện kim, cho biết theo thông báo của cơ quan thuế, khoản tiền hoàn thuế lẽ ra phải về tài khoản của công ty từ cuối tháng 1-2016. Thế nhưng, do quỹ hoàn thuế của địa phương không còn nguồn chi trả nên DN đứng ngồi không yên, bởi giáp Tết là thời điểm đặc biệt khan hiếm vốn do có nhiều đơn hàng đến thời hạn thanh toán. Đây cũng là thời điểm DN phải chi trả lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên. Nhưng may mắn cho công ty là đầu tháng 2, quỹ hoàn thuế của địa phương được bổ sung nguồn tiền nên đã nhận đủ 38 tỷ đồng hoàn thuế vào ngày 6-2, giúp công ty có điều kiện thực hiện các hợp đồng đã ký và quan trọng hơn là có nguồn để chi trả lương, thưởng tết Nguyên đán cho cán bộ, nhân viên.

Chậm hoàn thuế vài ngày, vài tuần hay cả tháng là tình trạng mà không ít DN đã gặp phải. Một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân tiền hoàn thuế cho DN là do nguồn kinh phí hoàn thuế phân bổ không đều. Giải thích về tình trạng quỹ hoàn thuế của nhiều địa phương có thời điểm "rỗng túi", Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, kinh phí hoàn thuế của toàn ngành Thuế bảo đảm. Hiện nay, nguồn kinh phí này trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỷ đồng, nhưng lại xảy ra hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu. Đơn cử, hiện TP Hồ Chí Minh chỉ còn 92 tỷ đồng trong quỹ hoàn thuế, nhưng ở Hà Tĩnh, số dư tài khoản quỹ này là hơn 1.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc chậm hoàn thuế cho DN còn do quy trình hoàn thuế tồn tại nhiều bất cập. Theo quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giám sát việc chi hoàn thuế của cục thuế tỉnh, thành phố thông qua phương thức điện tử. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hoạt động giám sát này lại phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN và cả cơ quan thuế địa phương. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội kiến nghị, việc giám sát thủ tục hoàn thuế nên giao cho cục thuế, chi cục thuế, là nơi quản lý thuế trực tiếp của DN. Nếu để Tổng cục Thuế giám sát thì phải quy định rõ trách nhiệm khi xảy ra hoàn thuế chậm, hoàn thuế chưa đúng.

Cho phép bù trừ giữa nợ ngân sách nhà nước và tiền hoàn thuế

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong 2 tháng đầu năm 2016, cơ quan thuế đã cơ bản giải quyết hết 3.100 hồ sơ hoàn thuế, với tổng số tiền 13.000 tỷ đồng. Trong đó, 52% hồ sơ là hoàn thuế trước, kiểm tra sau; 48% thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Số DN bị chậm hoàn thuế là 287 trường hợp. Trên thực tế, một số DN nợ ngân sách nhà nước (NSNN) và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho những DN này. Nhưng hiện chưa có quy định cho phép bù trừ giữa hai khoản, nên DN phải nộp hết nợ thuế thì mới thực hiện hoàn thuế.

Phần lớn trong số 287 DN bị chậm hoàn thuế do hồ sơ hoàn thuế không bảo đảm các quy định như: Mua hàng hóa của DN bỏ trốn, DN không còn hoạt động, đã phá sản hoặc giải thể, DN bị đóng mã số thuế... Bên cạnh đó, nếu DN không thanh toán qua ngân hàng hay hồ sơ hoàn thuế đang bị điều tra thì cũng chưa thể hoàn thuế, mà phải đợi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, ngày 14-3, Bộ Tài chính đã có Công văn 3357/BTC-TCT, gửi các cục thuế địa phương, gấp rút sửa đổi một số quy định hoàn thuế không còn phù hợp thực tế. Trong đó, với những DN nợ NSNN và NSNN phải hoàn thuế cho DN, thì có thể hạch toán bù trừ cho nhau. Đồng thời, Bộ Tài chính không giao hạn mức hoàn thuế cho từng địa phương, mà giao dự toán cho toàn ngành Thuế, qua đó giải quyết tình trạng chỗ thiếu, chỗ thừa hiện nay.

Trả lời hồ sơ hoàn thuế sau 6 giờ làm việc

Theo Công văn 3357/BTC-TCT, Cục trưởng Cục Thuế các địa phương chịu trách nhiệm ra quyết định hoàn thuế và thực hiện việc hoàn thuế. Sau khi cục thuế gửi danh sách đề nghị phê duyệt hoàn thuế về Tổng cục Thuế bằng thư điện tử, trong thời gian không quá 6 giờ làm việc, Tổng cục Thuế thông báo kết quả giám sát qua thư điện tử. Căn cứ kết quả này, cục thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chậm hoàn thuế: Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.