(HNM) - Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến hàng nghìn hộ dân huyện Quốc Oai phải nhường đất sản xuất cho các dự án công nghiệp, đô thị. Theo chủ trương chung, sau khi bàn giao đất, người dân được đền bù diện tích đất dịch vụ để chuyển hướng sinh kế. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa nhận được đền bù theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhiều vướng mắc "khó gỡ"
Qua rà soát, huyện Quốc Oai có hơn 5.000 hộ bị thu hồi 510,61ha đất sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách giao đất dịch vụ. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Quốc Oai phải hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho nhân dân trong tháng 6-2013. Đến nay, đã quá hạn chót hơn 4 tháng nhưng chưa một hộ gia đình, cá nhân nào được giải quyết khiến người dân rất bức xúc. Ông Kiều Đình Tình, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cho biết, việc được đền bù đất dịch vụ là quyền lợi chính đáng của người dân. Huyện rất sốt sắng, nhưng việc giao đất lại gặp nhiều vướng mắc, nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Đến nay, Quốc Oai đã quy hoạch 84ha đất dịch vụ, cơ bản đủ về diện tích, trong đó 78,6ha đã có quyết định thu hồi đất. Thế nhưng trong số 9 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và các xã Phượng Cách, Yên Sơn, Ngọc Liệp triển khai thực hiện, ít nhiều đều bị vướng mắc. Đơn cử, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ xã Sài Sơn gần 5,5ha phải tạm dừng chờ quy hoạch thị trấn sinh thái Quốc Oai. Dự án xây dựng khu đất dịch vụ xã Sài Sơn, diện tích gần 39,7ha phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Khu du lịch sinh thái và vui chơi Tuần Châu không còn phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Dự án đất dịch vụ thị trấn Quốc Oai 3,1ha, hiện chưa có nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần diện tích gần 1ha bổ sung. Dự án khu đất dịch vụ xã Đồng Quang và Nghĩa Hương tạm dừng triển khai, phải rà soát theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ...
Một khó khăn nữa liên quan đến dự án chưa có quyết định thu hồi đất cũng đang khó tháo gỡ. Cụ thể, khu đất dịch vụ xã Phượng Cách, có 144 hộ có đất nông nghiệp thu hồi được hưởng chính sách cấp đất dịch vụ thì 51 hộ xin nhận đất dịch vụ. Hộ có diện tích nhỏ nhất là 1m2, hộ có diện tích lớn nhất là 72,8m2. UBND xã Phượng Cách nhiều lần họp dân bàn bạc thống nhất chuyển nhượng, ghép hộ với nhau, nhưng hiện còn 25 hộ chưa ghép được. Phức tạp hơn, phần diện tích khá lớn nằm trong phạm vi quy hoạch khu đất dịch vụ này lại nằm trong hành lang bảo vệ đê. Tương tự, dự án khu đất dịch vụ xã Yên Sơn nằm trong quy hoạch Khu đô thị sinh thái Quốc Oai, do đó quy hoạch chi tiết đang bị vướng.
Chẳng lẽ ngồi... đợi?
Nguyên nhân dẫn đến chậm giải quyết đất dịch vụ cho người dân có phần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quốc Oai. Trong báo cáo về việc chấp hành pháp luật trong công tác giao đất dịch vụ, đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi 30% đất nông nghiệp, lãnh đạo huyện này thừa nhận: Có thời điểm, UBND huyện chưa kịp thời đôn đốc các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện. Các phòng, ban của huyện cũng chưa chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đất dịch vụ, đến khi nước đến chân mới "nhảy". Ví dụ như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện không những chậm trễ xây dựng dự toán suất đầu tư để thống nhất với hộ dân tạm thu theo chỉ đạo của Huyện ủy Quốc Oai mà còn chưa chủ động thỏa thuận đầu tư với các ngành như điện lực, viễn thông, cung cấp nước sạch để triển khai đồng bộ dự án. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện hướng dẫn các chủ đầu tư các dự án đất dịch vụ về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng chưa kịp thời. UBND các xã, thị trấn có dự án đất dịch vụ thiếu tích cực, cũng như chưa chủ động thực hiện chỉ đạo của UBND huyện...
Sự thiếu trách nhiệm có tính hệ thống ấy của các cơ quan có trách nhiệm huyện Quốc Oai đã ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân.
Lẽ ra họ phải được an cư nhờ những chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng thực tế đời sống của bộ phận lớn trong số này lại đang đi xuống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.