(HNNN) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố” với mục tiêu phấn đấu từ ngày 1-1-2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh học không đúng quy định tại Hà Nội. Mục tiêu đã rõ, tuy nhiên, để đạt được các yêu cầu trên, cần phải hành động nhanh, quyết liệt hơn với sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng cùng với những giải pháp thiết thực, đồng bộ của các cấp, ngành.
Nguồn lợi lớn chưa được tận dụng đúng cách
Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2010 đến năm 2019, mỗi năm trên địa bàn thành phố phát sinh trên 642.000 tấn rơm rạ; trong đó, số lượng đốt thành tro năm cao nhất là trên 296.000 tấn (46,1%); còn tính chung, mỗi năm có khoảng 30% rơm rạ bị đốt ngay sau khi thu hoạch. Cùng với đó, còn có khoảng 350.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp, tất cả đều chưa được tận dụng đúng cách. Đến vụ mùa 2020, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (huyện Thường Tín khoảng 4.000 tấn (10%); huyện Đông Anh khoảng 4.500 tấn (trên 10%);... ở huyện Mê Linh, dù tình trạng đốt rơm rạ đã giảm so với những năm trước nhưng trong vụ xuân 2020 vẫn còn đến 30% số rơm rạ bị đốt trên đồng để lấy tro...
Nói về giá trị của việc tận dụng rơm rạ, ông Nguyễn Văn Ba, chủ cơ sở thu mua phụ phẩm nông nghiệp ở thôn Đông (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) cho biết: Một sào rơm rạ đem đốt thu được 2 bao tải tro, bán với giá 50.000 đồng/bao, tính ra đốt 1 mẫu rơm rạ chỉ được 1 triệu đồng, rất vất vả, lại chịu khói bụi. Nếu bán rơm rối thì 1 sào thu được gấp đôi, bán rơm cuộn thì được gấp ba, nhưng rất ít nơi có máy cuộn rơm, người thu mua phải mất thêm chi phí máy móc và nhân công nên không thể mua với giá cao... Tình trạng đó kéo dài đã nhiều năm, ai cũng thấy tiếc một nguồn phụ phẩm chưa được tận dụng hết nhưng chưa thể giải quyết triệt để.
Phân tích tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch ở nông thôn Hà Nội trong 10 năm qua, GS.TS - Nhà giáo Ưu tú Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch có chiều hướng tăng từ vụ xuân năm 2010 cho đến vụ mùa 2019. Trung bình, một héc ta lúa để lại khoảng 11 tấn rơm rạ; Hà Nội có gần 110.000ha trồng lúa thì số rơm rạ là rất lớn, khi đốt sẽ tạo ra các khí độc hại có thể gây nhiễm trùng phổi, tắc nghẽn phổi...
Việc đốt rơm rạ gần đường đi không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hậu quả lớn hơn là làm ô nhiễm môi trường, đẩy chất lượng không khí tại Hà Nội xuống mức xấu; tác động xấu đến bầu khí quyển, gây biến đổi khí hậu. Về nguyên nhân, theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, có nguyên nhân từ phía người dân và từ các cấp, các ngành hữu quan, nhất là chính quyền địa phương. Người dân thì xử lý rơm rạ theo thói quen. Chính quyền thì buông lỏng việc quản lý lĩnh vực này trong thời gian dài; khi có hiện tượng vi phạm thì chậm xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm...
Cũng trong khoảng 10 năm qua, một số nhà quản lý và nhà khoa học đã hiến kế để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch ở vùng nông thôn Hà Nội. Một số chủ doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ xử lý, chế biến rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác... nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu “sạch làng, tốt ruộng”. Về nguyên nhân, theo Thạc sĩ Lê Đình Duẩn, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ vi sinh và môi trường (số 65 Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình), hầu hết nông dân dùng cách đốt rơm rạ (thời gian ngắn, có ngay “hiệu quả”) nên chưa hào hứng sử dụng men vi sinh để xử lý rơm rạ (thời gian dài, cần thử nghiệm...), còn các cấp, các ngành hữu quan thì chưa sâu sát, chưa chú ý đến việc doanh nghiệp và người dân làm thế nào, hiệu quả ra sao...
Cùng tích cực vào cuộc
Từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” với lộ trình: Trong năm 2018, thực hiện mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”; trong năm 2019, thực hiện mô hình “Huyện, thị xã không đốt rơm rạ”; đặt mục tiêu đến năm 2020 rơm rạ không còn bị đốt bỏ. Nhiều địa phương đã thu được kết quả tích cực. Từ vụ xuân 2020, ở các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn... cơ bản không còn tình trạng đốt rơm rạ ven đường giao thông. Tại huyện Ba Vì, trên 52% rơm rạ được thu gom làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất nấm rơm. Tại huyện Đan Phượng, khoảng 55% rơm rạ được xử lý bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, nhiều năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng đốt rơm rạ. Các sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp đã tích cực vận động người dân không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn, đồng thời tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ làm phân bón, sử dụng rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi. Đáng nói là người dân ở nhiều nơi đã ký cam kết không đốt rơm rạ nên tình trạng đốt rơm rạ đã giảm đáng kể.
Kết quả thu được tuy đáng phấn khởi nhưng chưa bền vững, nguyên nhân chính liên quan tới thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế... Tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng, xa trục đường chính vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Chính vì thế, vào ngày 18-9-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố”. Theo Chỉ thị, các cơ quan liên quan cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường. Mục tiêu đặt ra là đến ngày 31-12-2020 chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng; từ ngày 1-1-2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Ông Đỗ Quý Hùng, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNN Hà Nội) cho biết: Trung tâm đã lập tức tiến hành lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố vào các nội dung công tác. Cụ thể: Đã tổ chức khuyến cáo nông dân không đốt rơm rạ trực tiếp; tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ; tập huấn phương pháp thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng vừa hữu ích vừa thân thiện với môi trường. Tăng cường phối hợp liên ngành và sẽ mời các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải; giám sát và công bố công khai tình trạng đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và phụ phẩm cây trồng gắn với trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương...
Còn ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho biết, huyện đã có kế hoạch thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND, tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ ngoài đồng mà sử dụng để sản xuất, phát triển kinh tế. Còn theo Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Trì Chử Mạnh Thăng, huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối để triển khai thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND có hiệu quả.
Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), để đạt được các yêu cầu trên, cần phải hành động nhanh hơn, liên hoàn và quyết liệt hơn. Phải thực hiện những dự án dài hơi, phối hợp liên ngành hiệu quả, lồng ghép nhiều chương trình nhằm tạo ra những tác động trên quy mô lớn, qua đó thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Để thực hiện được điều này, cần huy động sức lực, trí tuệ của cả “bốn nhà”. Nhà quản lý thành lập những chương trình mang tính định hướng lớn, có nội dung thiết thực, đặt hàng nhiều nhà khoa học tham gia.
Các nhà khoa học cộng tác với nhà quản lý để tìm ra giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường một cách bền vững. Nhà doanh nghiệp mở rộng đầu tư thu mua, chế biến rơm rạ, phụ phẩm cây trồng. Nhà nông nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của chính quyền, không đốt rơm rạ mà thực hiện cách tận dụng hiệu quả hơn. GS.TS Phạm Hùng Việt nhấn mạnh: Để thực hiện đồng bộ các giải pháp thì cơ quan quản lý phải làm tốt vai trò đầu mối, xác định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, cam kết thực hiện đến cùng dự án, kế hoạch đã đề ra.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, Sở sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát việc thực thi của các địa phương, Sở sẽ tích cực kêu gọi, khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia hỗ trợ xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trên địa bàn Thành phố. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp nhận, xử lý và báo cáo UBND thành phố tìm cách tháo gỡ kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.