(HNM) - Phải mất hơn chục năm, Vườn thực vật Hà Nội - công trình đầy tâm huyết của các nhà khoa học, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, nhất là nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân Thủ đô - mới được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Công trình tập trung nhiều công sức và tâm huyết
Ngày 15-12-1997, ông Lương Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 1885/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư Vườn thực vật Hà Nội (xây dựng mới). Mục tiêu đầu tư xây dựng Vườn thực vật Hà Nội nhằm sưu tầm, bảo quản các loại thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân. Ba năm sau, ngày 8-12-2000, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn đã ký Quyết định số 6780/QĐ-UB phê duyệt bổ sung dự án đầu tư Vườn thực vật Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 24,3 tỷ đồng. Rồi 7 năm sau nữa, đến ngày 3-10-2007, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố ký tiếp Quyết định số 3918/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án Vườn thực vật Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 15,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 15,48 tỷ đồng; vốn huy động gần 350 triệu đồng.
Trên thực tế, trước khi UBND thành phố phê duyệt dự án, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, xây dựng công trình này. Theo ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Khoa học lâm nghiệp, dự án được bắt đầu thực hiện từ năm 1993. Thời gian đó, ông cùng với hơn 10 nhà khoa học lâm nghiệp hàng đầu Việt Nam đã dành trọn tâm huyết cho công trình, từ xây dựng dự án tiền khả thi đến khả thi, rồi bảo vệ để dự án được phê duyệt cho đến tổ chức thiết kế và thi công. Ông Nguyễn Khánh Xuân cho rằng, công trình đã nhận được sự quan tâm ủng hộ đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan trung ương, đặc biệt là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể, ngày 23-10-1997, tại văn bản "Thỏa thuận phê duyệt dự án Vườn thực vật Hà Nội", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội "xem xét quyết định để đầu tư xây dựng và sớm phát huy chức năng khoa học môi trường cũng như chức năng dịch vụ phúc lợi cho nhân dân Thủ đô". Ông Xuân cho biết thêm: Ông cùng các nhà khoa học, các kỹ sư lâm sinh đã lặn lội đi mọi cánh rừng của đất nước để đưa về Vườn thực vật Hà Nội hàng trăm loài thực vật quý hiếm. "Sau 16 năm xây dựng, công trình hoàn thành năm 2009 trong sự trân trọng của biết bao nhà khoa học lâm sinh".
Xin chuyển đổi vì khó khăn?
Cuối tháng 3-2011, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) và Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã có văn bản gửi UBND thành phố xin chủ trương lập dự án tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. Trong tổng diện tích dự kiến 60ha mà hai doanh nghiệp này xin chuyển đổi mục đích sang xây dựng đô thị sinh thái, có 20ha diện tích của Vườn thực vật Hà Nội và khoảng 20ha của Vườn cây ăn quả Từ Liêm. Lý do chủ yếu để xin chuyển đổi vì hiệu quả của hai khu vườn này không cao; doanh nghiệp đang gặp khó khăn về kinh phí trong việc quản lý, chăm sóc cây trồng trong vườn. Ông Hoàng Trọng Chương, Phó Tổng Giám đốc HADICO cho biết, sau khi cơ bản hoàn thành việc xây dựng Vườn thực vật, UBND thành phố chỉ bố trí kinh phí duy trì chăm sóc cây trong hai năm 2008 và 2009, còn từ đó đến nay, công ty phải tự trang trải kinh phí để trả lương cho các công nhân chăm sóc, bảo vệ vườn (từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm)(?).
Sau khi nhận được văn bản của hai công ty kể trên, ngày 17-6-2011, ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nay đang nghỉ chế độ) đã ký văn bản số 5005/UBND-NN, trong đó "nhất trí về nguyên tắc với đề nghị của hai công ty"; đồng thời "giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và UBND huyện Từ Liêm kiểm tra làm rõ những vấn đề liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đã và đang được đầu tư trên diện tích nói trên, thống nhất đề xuất hướng giải quyết, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định".
Cần nói thêm rằng, trong thông báo kết luận của ông Trịnh Duy Hùng tại cuộc họp về giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc chăm sóc, bảo vệ và duy trì các loài cây trồng tại Vườn thực vật Hà Nội (Thông báo số 100/TB-UBND ngày 7-4-2010) có chỉ đạo: Tiếp tục cấp kinh phí cho Chủ đầu tư - HADICO thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ và duy trì số loài cây tại Vườn thực vật trong năm 2010.
Công viên xanh -Chưa bao giờ là thừa!
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến nay ngân sách thành phố đã cấp khoảng 17 tỷ đồng để thực hiện, hoàn thành dự án và bảo vệ, chăm sóc toàn bộ số cây đã được trồng trong Vườn thực vật Hà Nội sau giai đoạn đầu tư cơ bản, đưa cây vào vườn. Qua kiểm tra, về cơ bản, số cây trồng trong Vườn thực vật Hà Nội vẫn còn đủ và phát triển bình thường. Xung quanh việc có chuyển đổi Vườn thực vật Hà Nội và Vườn cây ăn quả Từ Liêm sang xây dựng đô thị sinh thái hay không, đến thời điểm này, các sở, ngành liên quan của thành phố và UBND huyện Từ Liêm vẫn đang xem xét, đánh giá về các tiêu chí: sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội; hợp lý hay không hợp lý khi chuyển đổi; tính kinh tế và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường khi chuyển đổi; vấn đề về công luận xã hội nếu xảy ra lãng phí trong đầu tư và tác động, ảnh hưởng bất lợi khác khi chuyển đổi.
Trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành liên quan của thành phố, UBND huyện Từ Liêm, phóng viên Hànộimới đều nhận được câu trả lời là đang trong quá trình kiểm tra, rà soát, xem xét, đánh giá, chưa có ý kiến kết luận. Tuy nhiên, được biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm đã có ý kiến phản hồi là không đồng ý với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất Vườn thực vật Hà Nội và Vườn quả Từ Liêm sang xây dựng khu đô thị sinh thái. Và, ngay trong Quyết định số 3918/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội cũng đã nêu rõ, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) - Chủ đầu tư dự án phải quản lý Vườn thực vật những năm sau theo đúng mục tiêu của dự án đã được thành phố phê duyệt, lập kế hoạch triển khai quản lý, chăm sóc cây trồng những năm tiếp theo.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Lương Ngọc Cừ cho rằng, khi xây dựng công trình Vườn thực vật, lãnh đạo thành phố và các nhà khoa học, các sở, ban, ngành liên quan đã tính toán và cân nhắc hết sức cẩn trọng với tầm nhìn khoa học và mục tiêu hướng tới tương lai. Hàng chục cuộc hội thảo đã được tổ chức trước khi dự án được phê duyệt. Ông Lương Ngọc Cừ cho biết thêm: Việc chọn khu vực xã Minh Khai, huyện Từ Liêm để xây dựng Vườn thực vật Hà Nội đã tính tới định hướng phát triển thành phố, hơn nữa quy hoạch và định hướng quy hoạch khu vực này là vành đai xanh. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà thành phố lại đầu tư hàng chục tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng Vườn thực vật, Vườn quả Từ Liêm. Thêm vào đó, nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia đã lao tâm, khổ tứ lặn lội khắp các khu rừng của đất nước để đưa về Vườn thực vật Hà Nội trên 400 loài thực vật quý hiếm. Thực tiễn phát triển đang khẳng định Vườn thực vật Hà Nội đang làm đẹp, làm phong phú thêm đời sống đô thị của Thủ đô.
Dư luận hiện đặt nhiều nghi ngờ về mục đích chuyển đổi của doanh nghiệp với phần diện tích được coi là đất vàng này. Thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố đang còn quá nhiều khu đô thị mà quỹ đất, hạ tầng còn bỏ hoang. Trong khi trong nội thành ngày càng thiếu hụt không gian xanh. Và cũng trên thực tế, thành phố Hà Nội vẫn đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm công viên để tạo không gian xanh, làm nơi vui chơi, giải trí cho nhân dân, với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Ở góc độ khác, từ nhiều năm qua, do quá chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật mà chưa cân đối với phát triển hạ tầng xã hội nên Hà Nội đã và đang xảy ra tình trạng thiếu trường học, thiếu bệnh viện tại nhiều khu đô thị… Đây là một "bài toán" khó, phải mất một thời gian khá dài mới có thể giải được. Với thực trạng như hiện nay, dư luận cho rằng, không gian xanh chưa bao giờ là thừa với Hà Nội, nhất là các công trình đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh như Vườn thực vật Hà Nội, Vườn quả Từ Liêm hiện nay. Nếu HADICO gặp khó khăn trong duy trì, chăm sóc, bảo vệ, thì thành phố nên giao lại khu vườn này cho Công ty Công viên - Cây xanh Hà Nội quản lý.
Ngày 28-7, trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, UBND thành phố vẫn chưa nhận được báo cáo đề xuất hướng giải quyết của các sở, ngành liên quan về vấn đề chuyển đổi Vườn thực vật Hà Nội và Vườn cây ăn quả Từ Liêm. Sau khi nhận được ý kiến đề xuất của các sở, ngành liên quan, UBND thành phố mới xem xét và đi đến quyết định có cho chuyển đổi hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.