(HNM) - Ngay những ngày đầu năm mới, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) dự báo, cải cách hành chính (CCHC) sẽ tiếp tục trùng xuống, gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu các bộ, ngành không quyết liệt triển khai.
Nguyên nhân là, trừ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành phần việc được giao, hiện đang tồn tại gần 700 TTHC chưa được các bộ, ngành còn lại hoàn thành phương án đơn giản hóa theo 25 nghị quyết của Chính phủ. Không chỉ chậm đơn giản hóa TTHC, ngay cả việc có thể làm ngay mà không tốn kinh phí và nhân lực của bộ phận pháp chế mỗi bộ là công bố TTHC cũng ì ạch, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu.
Trong số các bộ, ngành chậm minh bạch công khai thông tin, phải kể đến Bộ Giáo dục - Đào tạo. Năm 2013 có tới 37 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TTHC được bộ này ban hành, nhưng chưa văn bản nào được công bố, công khai TTHC. Trong khi đó, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC đã được chỉnh sửa theo hướng khắt khe hơn. Cụ thể, thay vì quyết định công bố TTHC phải được ban hành chậm nhất trước 10 ngày làm việc tính đến ngày văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TTHC có hiệu lực (theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010), thời hạn công bố được nâng lên là chậm nhất trước 20 ngày làm việc đối với các TTHC do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ công bố và chậm nhất trước 5 ngày làm việc đối với các TTHC do chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị được cơ quan nhà nước cấp trên giao nhiệm vụ, ủy quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục giải quyết công việc công bố.
Cũng do việc giám sát khâu triển khai TTHC không sát sao nên đang có tình trạng nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chưa thực hiện hoặc thực hiện còn hình thức việc đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC. Việc này xảy ra tại Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ LĐ-TB&XH…
Thực tế trên cho thấy, không thể lơ là việc thanh tra, giám sát đối với cả đơn vị thực hiện CCHC tốt và chưa tốt. Khi phát hiện cán bộ, công chức gây cản trở, khó dễ về mặt TTHC cần phải xử lý nghiêm minh. Nếu không, chắc chắn việc chậm đơn giản hóa TTHC, không công khai TTHC, bỏ quy trình trong xây dựng văn bản mới sẽ xảy ra ở nhiều cấp, ngành và tình trạng "một cửa nhiều khóa" tiếp tục tái diễn với mức độ trầm trọng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.